Năm 2000, Bộ Chính trị ban hành Quy định 76 về việc đưa đảng viên đang sinh hoạt Đảng tại cơ quan công tác về tham gia sinh hoạt ở nơi cư trú. Đây được cho là biện pháp vừa làm cho đảng viên gắn bó hơn với thực tế cuộc sống, vừa có tác dụng phòng ngừa tích cực, giúp cơ quan, chi bộ Đảng nắm bắt được ý thức, tư tưởng chính trị của đảng viên.

Đảng ủy phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có 17 chi bộ với gần 600 đảng viên và hơn 300 đảng viên thuộc diện sinh hoạt hai chiều. Nhiều năm nay, Đảng ủy phường đã thực hiện nghiêm túc quy định về sinh hoạt hai chiều, góp phần hiệu quả trong việc kiểm tra, giám sát đảng viên.

Trong đó, Chi bộ khu dân cư B1 Bưu điện có 50 đảng viên và 103 đảng viên thuộc diện sinh hoạt Đảng hai chiều. Năm nào, vào cuối năm, chi bộ đều tổ chức sinh hoạt Đảng 2 chiều và được đông đảo đảng viên tham gia.

Tuy nhiên, ông Trịnh Ngọc Nhật, Bí thư Chi bộ cho biết: cũng có những đảng viên thực hiện chưa tốt, bỏ sinh hoạt, hoặc tham gia sinh hoạt theo kiểu đến cho có, hạn chế góp ý cho chi bộ.

Không chỉ riêng ở phường Quỳnh Lôi, mà việc sinh hoạt Đảng 2 chiều tại Hà Nội cũng xảy ra tình trạng đó. Bởi nhiều đảng không có nơi ở rõ ràng, chỉ tạm trú hoặc hộ khẩu ở một nơi, sinh sống ở nơi khác. Đây cũng là một thực tế, gây khó khăn cho chi bộ nơi cư trú trong việc quản lý, giám sát đảng viên.

Hàng năm, Chi ủy và Ban Công tác Mặt trận các địa phương đều thực hiện việc nhận xét, góp ý cho đảng viên sinh hoạt 2 chiều. Tuy nhiên, công việc này cũng đang gặp khó khăn vì không có căn cứ để đánh giá.

Ông Lê Vũ Thanh, 40 năm tuổi Đảng, ở quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội cho rằng: “Để làm tốt công tác quản lý đảng viên sinh hoạt 2 chiều, phải đưa ra cơ chế để liên lạc giữa cơ quan quản lý đảng viên - nơi đảng viên đang công tác, với nơi cư trú của đảng viên đó. Trong cơ quan, đảng viên đó giữ chức vụ gì, đạt được thành tích gì trong công tác, hoặc ngay tại cơ quan có gì chưa tốt thì về cấp ủy ở địa phương và chi bộ nơi cư trú của đảng viên trao đổi với nhau”.

Nếu chi bộ hai chiều quản lý đảng viên chặt chẽ sẽ giúp đảng viên phát huy tối đa mặt mạnh, cũng qua đó, những biểu hiện suy thoái, vi phạm sẽ được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Ông Vũ Thái Bình, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cho biết: Có những cán bộ đảng viên ở cơ quan không phát hiện thấy có vấn đề gì, thậm chí được đánh giá là tốt, nhưng trong cuộc sống gia đình và ở địa phương lại có nhiều vi phạm. Thực tế ở phường Nghĩa Tân đã có những trường hợp như vậy.

Từ thực tế ở phường Nghĩa Tân cho thấy, kết quả thực hiện quyết định 76 sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để tổ chức đảng đánh giá chất lượng đảng viên sát hơn, làm căn cứ xét khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ chính xác hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Giang, Phó Giám đốc Học viện Xây dựng Đảng cho rằng: Để nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng 2 chiều, cần tăng cường phối hợp giữa cấp ủy đảng ở cơ quan và cấp ủy đảng địa phương, đồng thời đổi mới về nội dung và hình thức tổ chức cho đảng viên tham gia sinh hoạt 2 chiều.

“Chúng ta cũng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc tổ chức thực hiện quy định này, tránh hiện tượng tổ chức thực hiện không tốt. Nếu làm tốt, sẽ góp phần tăng cường quản lý đảng viên, góp phần thực hiện tốt tinh thần xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4”.

Quy định 76 của Bộ Chính trị “Về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú” là một chủ trương quan trọng.

Để việc thực hiện quy định này đạt hiệu quả cao hơn, bên cạnh tính tự giác của mỗi đảng viên đòi hỏi sự sâu sát hơn nữa của cấp ủy các cấp. Đây là cách để giám sát toàn diện hoạt động của đảng viên, giúp tổ chức Đảng có cơ sở đánh giá đúng về đảng viên, góp phần trực tiếp trong việc xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh từ cơ sở./.