Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp qua 5 năm thực hiện có thể nói đã có những chuyển biến nhất định trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mỗi tổ chức đảng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế, ở không ít số cấp ủy, việc nêu gương của không ít cán bộ, đảng viên nhất là lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa thật sự được coi trọng và còn nhiều tồn tại.
Mới đây, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Quy định số 101 nhằm bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác xây dựng Đảng đặt ra.
Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đang bị buông lỏng
PV:Ông có thể phân tích rõ hơn về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Quy định 101 của Ban Bí thư?
Ông Vũ Mão: Lâu nay, trách nhiệm của cán bộ đảng viên phải thực hiện tròn nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đang bị buông lỏng; sự rèn luyện của cán bộ, đảng viên ngày càng yếu, lý tưởng phai nhạt, chạy theo lợi ích cá nhân. Sự hư hỏng của cán bộ ngày càng lớn, khiến dư luận bất bình, ảnh hưởng lớn tới uy tín của Đảng. Bên cạnh đó, từ khi ra đời cho đến nay, sự lan tỏa của Quy định này vào cuộc sống còn yếu; chế tài xử lý chưa có.
Trước yêu cầu đặt ra của tình hình mới đòi hỏi trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên phải cao hơn rất nhiều, do vậy theo tôi, không thể chỉ như một lời khuyến nghị, Quy định này cần thiết phải được cụ thể hóa hơn nữa, thậm chí phải luật hóa, bao gồm cả chế tài xử lý thì việc thực thi mới có hiệu quả. Ví như quy định về kê khai tài sản yêu cầu người kê khai phải trung thực, nhưng trường hợp họ không trung thực thì xử lý thế nào.
Tôi cho rằng, không chỉ cần có chế tài xử lý nếu họ kê khai không trung thực mà còn cần có quy định cụ thể về việc kiểm tra, giám sát và kết luận hàng năm đối với số tài sản của họ, nó biến đổi ra sao so với thời điểm họ bắt đầu nhận chức, số tài sản đó từ đâu ra, có minh bạch, trong sáng hay không. Có thể nói, thời gian qua chúng ta vẫn chưa làm được việc này nên nạn tham nhũng ngày càng nghiêm trọng.
Điều chỉnh bằng luật đối với trách nhiệm của cán bộ, đảng viên
PV:Ông có cho rằng những nội dung của Quy định 101 mới chỉ như một lời khuyến nghị, nên chăng phải luật hóa, có vậy mới buộc cán bộ, đảng viên phải thực thi nghiêm túc?
Ông Vũ Mão: Về hình thức văn bản, trước đây là Quy định của Ban Bí thư nay sửa đổi, nâng lên thành Quyết định của Bộ Chính trị, theo tôi vẫn là chưa đủ, mà ít nhất phải nâng lên thành một Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, rồi dần tiến tới luật hóa, mới có tính thực thi cao hơn, buộc tất cả các cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm hơn, tốt hơn.
Không chỉ liên quan tới khoảng 4 triệu cán bộ đảng viên, trong đó cán bộ cao cấp, trung cấp lên tới hàng chục nghìn đảng viên, vấn đề trách nhiệm nêu gương còn đụng chạm tới vai trò, uy tín của Đảng, chất lượng lãnh đạo của Đảng. Hơn nữa, mục tiêu của chúng ta là xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, vì thế, việc điều chỉnh bằng luật đối với trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên không chỉ phù hợp với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền, mà còn buộc cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức. Đảng giữ vai trò rất lớn trong đời sống chính trị của đất nước, Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, mà lại không có những ràng buộc, quy định thì nhân dân khó có thể giám sát, kiểm tra.
Việc quy định bằng luật hoàn toàn không đi ngược lại với những quy định của Hiến pháp, thậm chí còn làm sáng tỏ thêm Điều 4 của Hiến pháp: Đảng lãnh đạo thông qua cán bộ, đảng viên, như vậy cán bộ, đảng viên phải nêu gương mới làm đúng vai trò lãnh đạo.
PV:Ông có nghĩ rằng việc sửa đổi Quy định 101 của Ban Bí thư sau khi hoàn thiện sẽ giúp có thêm một công cụ để giám sát quyền lực hiệu quả?
Ông Vũ Mão: Nếu quy định này được nâng lên thành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, đòi hỏi phải được trình bày rất cụ thể và phải có chế tài đầy đủ, là một văn bản hoàn thiện, có ý nghĩa về mặt vị thế, như vậy nó phải được đầu tư rất công phu chứ không đơn giản như hiện nay. Bên cạnh đó cũng cần phải cân nhắc, bởi chúng ta còn nhiều văn bản khác, phối hợp lại sẽ ra sao, không để mỗi anh chỉ đạo một đường, tốn kém, không hiệu quả. Hay với Luật Phòng chống tham nhũng, quy định này còn kém xa, thiếu cụ thể, nên phải bổ sung cho nhau ra sao… đòi hỏi phải có một cái nhìn rất rộng chứ không chỉ trong phạm vi hẹp. Nếu được hoàn thiện, đây sẽ là một công cụ rất tốt để giám sát quyền lực. Muốn vậy, ngay từ đầu, nhân dân phải phải được tham gia thảo luận, góp ý kiến, thể hiện đúng tinh thần nhân dân xây dựng Đảng, còn nhiệm vụ của Đảng là phải lắng nghe và tiếp thu.
PV:Xin cảm ơn ông./.
“Cán bộ cấp chiến lược phải ở tầm cao trí tuệ, tuyệt đối không vụ lợi“
Kỳ vọng từ Hội nghị Trung ương 7 về xây dựng cán bộ cấp chiến lược
“Cán bộ nào đi lên bằng hối lộ, luồn lọt cần phải đưa ra ánh sáng“