Ý chí, tình cảm nơi “phên giậu”Tổ quốc
Hai xã Pha Long và Tả Ngải Chồ, được mệnh danh là “cổng trời khô khát” của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, nơi có những dãy núi cao hơn nghìn thước so mực nước biển, bốn mùa chìm trong sương mây. Nơi đây có Đồn Biên phòng Pha Long, quản lý hơn 16 km đường biên giới, với 19 cột mốc. Đồn trưởng, Trung tá Trần Đình Quang, dẫn chúng tôi đến nhà văn hóa thôn Pha Long 1 Lồ Cố Chin trên doi đất bằng hiếm hoi ở ngang sườn núi.
Bộ đội Đồn Biên phòng 235-Pha Long cùng dân quân địa phương tuần tra biên giới. (Ảnh: QĐND) |
Trong những ngày này, rất nhiều đồng bào dân tộc Mông, Dao, Xa Phó, Thu Lao… gác lại công việc ruộng nương, tập trung tại đây để xem tin tức về Đại hội qua màn hình lớn do ngành văn hóa vừa cấp. Ông Vàng Seo Xóa, dân tộc Mông, một già làng uy tín trong cộng đồng phấn khởi nói: “Ở nơi núi cao này, bà con mình đều xem ti-vi để theo dõi Đại hội Đảng đang diễn ra tại Thủ đô. Quê mình nay có đường ô-tô rải nhựa vào tận nhà, có trường học, trạm y tế là nhờ Chương trình 135 của Đảng và Nhà nước”.
Tôi gặp thiếu tá Hoàng Văn Hiền, quê ở Từ Liêm, Hà Nội, vừa cùng đồng đội đi tuần tra biên giới trở về. Tốt nghiệp Học viện Biên phòng, sau thời gian công tác ở biên giới tây nam Kiên Giang, anh về Đồn Pha Long, gắn bó với vùng đất hoang sơ, “bốn cùng” với bà con dân tộc, giúp họ phát triển sản xuất, bảo vệ an ninh trật tự vùng biên. Đội “bốn cùng” do anh phụ trách đã vận động đồng bào trồng được hàng chục héc-ta trẩu và thông mã vĩ, giờ đang khép tán xanh ngát những triền đồi. Nhanh nhẹn và thuần thục như người bản địa, thiếu tá Hiền dẫn tôi theo con đường dân sinh mới mở giữa ngút ngàn lau lách, đi bộ hơn chục km, vào thăm bản Ma Lù Thàng. Đây là bản khó khăn nhất của xã, với 27 hộ người Mông, giao thông cách trở. Vừa gặp thiếu tá Hiền, trưởng bản Vàng Seo Sần nói: “Nhờ có bộ đội biên phòng giúp sức, bà con đã có ruộng bậc thang cấy lúa, biết trồng rừng giữ nguồn nước, đã bớt cái đói cái nghèo, con cái được đi học”.
Sông La Hờ chảy dọc biên giới, còn gọi là sông Xanh, bởi bốn mùa nước xanh ngăn ngắt. Đây là khởi nguồn của sông Chảy, đổ nước quay tua-bin thủy điện Thác Bà, hòa với sông Hồng ở đoạn Việt Trì (Phú Thọ), rồi chảy qua thủ đô Hà Nội, đổ ra biển ở đất Thái Bình. Suốt gần 3 km biên giới đường sông là những cột mốc, tảng đá, lùm cây, bãi bồi… đã in dấu chân người lính biên phòng và những chàng trai, cô gái, già làng đất Pha Long anh hùng, để gìn giữ chủ quyền, lãnh thổ của đất nước.
Tâm nguyện từ miền Trung
Sinh viên Trương Công Hiếu, lớp Y học dự phòng 5C, Trường đại học Y Dược Huế, tâm sự: “Hướng về Đại hội, người trẻ chúng em mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa chính sách thu hút và sử dụng đội ngũ trí thức trẻ; tạo điều kiện, khuyến khích người trẻ thể hiện khả năng, có môi trường tốt để cống hiến, đóng góp cho sự phát triển đất nước”.
Tại phường Phước Vĩnh (TP Huế), nơi có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa sinh sống, phần lớn bà con đều quan tâm đến Đại hội XII. Đảng viên, giáo dân Nguyễn Văn Thiện, Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ dân phố 16, chia sẻ: “Tôi thường xuyên cập nhật thông tin về Đại hội XII của Đảng. Tôi thấy văn kiện, nhân sự Đại hội được chuẩn bị rất kỹ lưỡng”. Bác Trần Công Niên, thành viên Hội đồng Giáo xứ Phủ Cam, kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố 16, tâm sự: “Tôi cũng như bà con Công giáo ở đây mong rằng qua Đại hội này, Đảng ta có những quyết sách mới trong phát triển kinh tế. Đảng cũng cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động nghèo, sinh viên đã tốt nghiệp…”.
Đồng chí Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế mong muốn, Đại hội XII của Đảng quan tâm thảo luận các giải pháp khả thi cho “tăng trưởng xanh và bền vững”, xem đây là vấn đề chiến lược có ý nghĩa lâu dài. Cùng chung quan điểm này, đồng chí Phan Thiên Định, Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị: Đảng, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế bền vững.
Mong ước từ thành phố biển
Ở tuổi ngoài 70, đã chứng kiến và theo dõi nhiều kỳ Đại hội của Đảng, bác Nguyễn Hữu Cầu, ở phường 10, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mang nhiều cảm xúc: “Mình là đảng viên, luôn tin tưởng tuyệt đối vào những chủ trương, đường lối của Đảng. Đại hội XII của Đảng diễn ra trong bối cảnh an ninh - kinh tế thế giới có nhiều phức tạp. Tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông dự báo còn tiếp tục căng thẳng, khó lường. Kinh tế trong nước tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng thiếu bền vững. Cho nên, chúng tôi kỳ vọng Đại hội đưa ra được những quyết sách đúng đắn để đưa nước ta vượt qua khó khăn, tiếp tục giành những thành tựu trong năm năm tới”.
Bí thư Đảng ủy phường Thắng Nhất (TP Vũng Tàu) Đào Xuân Hữu chia sẻ: Trong suốt những ngày qua, điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất chính là kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương hướng về Đại hội. Thực tế cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó không ít bức xúc trong nhân dân, làm xói mòn lòng tin của dân đối với Đảng. Hầu hết cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Thắng Nhất đều phấn khởi, tâm đắc khi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vẫn tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, để qua đó loại ra khỏi tổ chức đảng những phần tử thoái hóa, biến chất góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn./.