Bộ Chính trị vừa công bố dự thảo các văn kiện Đại hội để lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân từ ngày 15/9 đến ngày 25/10/2015. Các văn bản dự thảo văn kiện xin ý kiến các tầng lớp nhân dân gồm có Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011- 2015) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới; Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng.
Đổi mới kinh tế chưa tương xứng với đổi mới thể chế Nhà nước
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện, Giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam nhận định, 30 năm đổi mới, đất nước ta có đổi mới mạnh mẽ về kinh tế, từ tư duy kinh tế nhà nước là chủ đạo, chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế đa thành phần.
Giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam |
“Sở dĩ có đổi mới mạnh mẽ về kinh tế như thế là do Đảng ta đổi mới mạnh mẽ về tư duy kinh tế. Tư duy kinh tế đó thể hiện mạnh mẽ nhất trong chương Kinh tế mà Hiến pháp 1992 đã nên rõ, từ một nền kinh tế tập trung quan liên bao cấp với 2 thành phần kinh tế là Nhà nước và tập thể dừng vai trò chỉ đạo, chuyển sang một nền kinh tế nhiều thành phần, phát triển bình đẳng có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Một sự đổi mới mạnh mẽ như thế đã đem đến những thành quả có ý nghĩa lịch sử. Tôi hoàn toàn đồng ý với những đánh giá về kinh tế đã nêu trong dự thảo văn kiện Đại hội”- GS Trần Ngọc Đường nói.
Tuy nhiên, GS Trần Ngọc Đường cho rằng, đổi mới về mặt Nhà nước, về hệ thống chính trị còn chậm, chưa tương xứng với đổi mới về kinh tế. Vì thế, cần đánh giá sự tác động qua lại giữa đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị nói chung và đổi mới bộ máy Nhà nước nói riêng, ảnh hưởng qua lại với nền kinh tế như thế nào. “Nếu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hệ thống chính trị thì thành tựu kinh tế còn lớn hơn nhiều. Bởi bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh, chi phí cho bộ máy ngày càng lớn thêm trong khi đất nước chưa giàu. Nếu nghiêm túc đánh giá thì những đổi mới về mặt Nhà nước chưa tương xứng với đổi mới bộ máy kinh tế”.
Phải có cơ chế để nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực Nhà nước
Ông Trần Hoàng Thám, nguyên trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cũng cho rằng, dự thảo xác định 4 nguy cơ trước đây vẫn còn; đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn, oan sai chưa hết… Đó là do hệ thống chính trị của chúng ta chậm đổi mới, nhận thức về đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng với đổi mới nền kinh tế.
Ông Trần Hoàng Thám, nguyên trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM |
“Văn kiện cần tổng quát được những gì đã làm được, chưa làm được, từ đó đề ra định hướng cho tương lai. Nếu đại hội lần này Đảng ta không nhìn nhận, đặt đúng vấn đề đổi mới hệ thống chính trị thì những tồn tại vẫn sẽ còn, 4 nguy cơ vẫn chưa thể giải quyết. Vì vậy, Đại hội lần này cần xác định rõ những gì có thể đổi mới được về hệ thống chính trị thì triển khai, còn những gì chưa rõ thì cũng đưa ra định hướng để tiếp tục nghiên cứu cho nhiệm kỳ sau”, ông Trần Hoàng Thám đề xuất.
GS Trần Ngọc Đường nêu ví dụ như việc đổi mới mô hình chính quyền địa phương bao nhiêu năm nay vẫn giữ 3 cấp như cũ. Đảng, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết làm thí điểm bỏ HĐND các cấp ở 10 tỉnh, thành. Sau khi làm thí điểm, lấy phiếu thăm dò ở 10 tỉnh thành đó thì 50% đồng ý, 50% không đồng ý. “Tôi cho việc đó không quan trọng mà quan trọng là khi bỏ đi một cấp HĐND thì hệ thống chính trị nói chung và bộ máy Nhà nước hoạt động bình thường. Lãnh đạo TP HCM cho biết khi bỏ HĐND, tiết kiệm một năm được hàng chục tỷ đồng. Nếu mạnh dạn đổi mới thì chỉ riêng tiết kiệm trong đổi mới trong bộ máy Nhà nước cũng đã góp phần làm giàu về kinh tế. Tôi rất mong văn kiện đã chỉ ra được những hạn chế trong đổi mới kinh tế, nhưng phải chỉ rõ được vì sao lại chậm, lại hạn chế như thế”- GS Trần Ngọc Đường nói.
“Khi thực hiện thí điểm bỏ HĐND quận, huyện nhưng chúng ta lại không mạnh dạn thay đổi?. Phải chăng vì vấn đề quá mới, chưa có tiền lệ hay vì vấn đề lợi ích, không dám vượt lên chính mình để thay đổi?”, Giáo sư Trần Ngọc Đường đặt câu hỏi và cho rằng, Đại hội lần này phải nhấn mạnh việc đổi mới đồng bộ về mặt thể chế.
Theo GS Trần Ngọc Đường, phải coi trọng cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước vì Hiến pháp 2013 cũng đã nêu rõ vấn đề này. Cần có Luật về kiểm soát quyền lực Nhà nước của nhân dân, có công cụ để bảo vệ người dân. “Bây giờ kêu gọi chống tham nhũng, dân biết nhưng dân sợ vì chưa được bảo vệ. Nếu có quy định về bảo vệ người dân thì công cuộc chống tham nhũng mới có hiệu quả. Gần đây nổi lên vụ Giám đốc Sở 30 tuổi, vụ nhà số 8B Lê Trực... Khi nhân dân bức xúc thì Bộ Nội vụ, thanh tra vào cuộc. Thanh tra không phải là một thiết chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, mà chỉ là phương tiện để kiểm soát quyền lực Nhà nước. Phải có cơ chế để nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực Nhà nước”, GS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh./.