Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên". Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, một trong những điểm mới được nêu ra đó là phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng xây dựng một chế độ dân chủ và chỉ rõ vai trò, ý nghĩa của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu và động lực của phát triển xã hội. PGS.TS Mai Quỳnh Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cho rằng: Quốc hiệu đầu tiên của nước ta sau năm 1945 là phải xây dựng được nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Thấu hiểu sâu sắc điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt dân chủ lên hàng đầu. Tuy nhiên, theo ông Mai Quỳnh Nam để có được dân chủ không dễ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương |
“Theo tôi, trách nhiệm của người quản lý lãnh đạo rất quan trọng. Quan trọng ở chỗ người lãnh đạo nghĩ gì. Người cầm quyền nghĩ về dân thì dân được lợi ích”, ông Nam phân tích.
Theo GS.TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội, điều đáng quan tâm nhất trong tình hình hiện nay là thái độ đối với dân chủ. Biết sử dụng dân chủ, có thái độ hợp lý đối với dân chủ, có nguyên tắc và cơ chế dân chủ thì văn hóa dân chủ sẽ dần được hoàn thiện.
Dân chủ cần được đảm bảo và thực thi trên tinh thần "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân". Mặt khác, dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, không có vùng cấm trong thực hành dân chủ.
“Dân chủ và nhà nước pháp quyền là cặp song sinh, pháp quyền nghĩa là thượng tôn pháp luật. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu là nhằm bảo vệ Tổ quốc. Dân có trách nhiệm phản biện chính sách, pháp luật, kể cả xây dựng Đảng. Dân chủ không chỉ ngoài lĩnh vực xã hội mà trong chính công việc của Đảng trong các hoạt động sinh hoạt Đảng, trước hết là đảng viên nhưng người dân cần có tiếng nói phản biện ở đây”, GS.TS Hồ Sĩ Quý nói.
Ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội cho rằng: Dân chủ trong Đảng phải gắn chặt với sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng, cần phải công khai minh bạch, nhất là trong công tác cán bộ. Đồng thời cần đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
“Có thực lòng nghe, có phân tích, giao trách nhiệm không? Đó là các vấn đề dân chủ. Dân chủ phải gồm 5 yếu tố: đó là thực sự gần dân, thực lòng nghe dân nói, mạnh dạn đối thoại chân tình với nhân dân, giải thích cho nhân dân và giải quyết các vấn đề cho nhân nhân dân hiểu. Nếu thiếu 1 trong 5 yếu tố này dân chủ chỉ là hình thức”, ông Phạm Ngọc Thảo chia sẻ.
Đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Từ Đại hội IX, Đảng đã xác định đưa dân chủ là một trong những mục tiêu, từ đó ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xác định đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 2013 và trong hệ thống pháp luật. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực đời sống chính trị và kinh tế.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ngay ở chủ đề Đại hội, cùng với phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dự thảo văn kiện lần này nêu rõ phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Theo ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, đây là điểm mới của văn kiện.
“Đến Đại hội XI đã xác định xây dựng một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng văn minh và đưa yếu tố dân chủ lên trên. Đại hội XII này vẫn tiếp nối truyền thống đó, cũng như chủ trương nhất quán của Đảng ta. Một điểm mới trong Chủ đề của báo cáo chính trị Đại hội XII là cùng với việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc thì có phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tức là nhấn mạnh hơn nữa sự phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa”, ông Lê Quang Vĩnh phân tích.
Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Theo đó, dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Đặc biệt, để dân chủ được thực thi, phải xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân./.