Tại Hội thảo “Sửa đổi lề lối làm việc - những vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc tháng 10/1947” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) có đề nghị thành lập Viện Đạo đức học để trang bị cho cán bộ lãnh đạo quản lý đạo đức cách mạng và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. 

Có ý kiến cho rằng đề xuất này không hợp lý vì đạo đức là phải rèn luyện từ nhỏ; có ý kiến lại cho rằng không phải không có lý vì đâu phải lớn rồi thì không cần dạy, rèn luyện thêm bởi học tập, tu dưỡng bản thân là quá trình học tập suốt đời.

gs_hoang_chi_bao_offq_tkwm.jpg
Giáo sư Hoàng Chí Bảo
Chia sẻ quan điểm về đề xuất này, Giáo sư Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài nhân lực, cho rằng đây chỉ là ý kiến chủ quan của một cá nhân, có thể ghi nhận để suy ngẫm; về khả năng hiện thực thì ông không tán thành với quan điểm này.

Theo GS Hoàng Chí Bảo, trong bối cảnh, Đảng vừa ra Nghị quyết Trung ương 6 về tinh giản tổ chức bộ máy, nhất là trong hệ thống Nhà nước, đề xuất lập thêm Viện Đạo đức là không phù hợp khi chúng ta đã có quá nhiều tổ chức bộ máy cồng kềnh, tạo gánh nặng phải chi phí cho cả xã hội, đều từ tiền thuế là mồ hôi, công sức của dân. Việc lập thêm tổ chức, bộ máy là không thuận trong xu thế cải cách thể chế của chúng ta hiện nay.

“Không phải cứ lập ra Viện Nghiên cứu đạo đức thì đương nhiên đạo đức của cán bộ, đảng viên sẽ tăng lên. Bởi chúng ta cần phẩm chất đạo đức ở trong lối sống, hành vi chứ không chỉ thuần túy là ý thức đạo đức, trang bị kiến thức đạo đức”, GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Kỳ vọng muốn thay đổi thực trạng đạo đức đang xuống cấp hiện nay là chính đáng. Vấn đề mấu chốt là từ Đảng, Nhà nước đến nhân dân đều nâng cao ý thức nhận thức và phải đặt cán bộ, đảng viên, công chức Nhà nước vào môi trường rèn luyện, giám sát thường xuyên của nhân dân để họ phải trở thành những con người nói đi đôi với làm, tận tâm vì công việc, đề cao trách nhiệm và nhất là phải giữ cho được sự trong sạch, chống tham nhũng hiện đang là “vết nhọ” trong thể chế, hệ thống của chúng ta. Đây là vấn nạn khiến người dân phản đối nhiều nhất. Chính vì vậy, cái quan trọng là hành vi đạo đức, trách nhiệm đạo đức chứ không chỉ dừng ở tri thức đạo đức thông qua giảng dạy.

Chúng ta không thể chủ quan khi chỉ chú trọng vào vấn đề thay đổi nhận thức, hiểu biết, đó chỉ là điều kiện cần, quan trọng là thước đo đạo đức bằng hành động thực tiễn, rõ nhất là thông qua thái độ, đánh giá của người dân. “Nếu người dân có thái độ hài lòng về thể chế của chúng ta, về tinh thần phụ trách của cán bộ đảng viên thì đó là một căn cứ đáng tin cậy về sự chuyển biến đạo đức của cán bộ, chứ không phải cứ giảng dạy, tuyên truyền mà có thể giải quyết được vấn đề”, GS Hoàng Chí Bảo nêu suy nghĩ.

Không thể làm quan rồi mới đi học đạo đức. Sau một quá trình học, chưa chắc người cán bộ sẽ được uốn nắn thành người có đạo đức. Theo GS Hoàng Chí Bảo, việc cần phải làm là sửa từ cơ chế đến chính sách, bởi cơ chế, chính sách như hiện nay chỉ khuyến khích người ta làm quan chức chứ không khuyến khích người ta rèn luyện chuyên môn, tu dưỡng đạo đức.

“Thực tế đáng buồn là đội ngũ cán bộ có chức có quyền chỉ sợ cấp trên chứ không sợ dân. Miệng nói vì dân nhưng trong hành động, việc làm thì lại vì chính cá nhân họ. Thứ chủ nghĩa cá nhân hay “giặc nội xâm” này vô cùng tinh vi và phức tạp, chúng bắt nguồn từ những “lỗ hổng” trong cơ chế chính sách và một phần ở nhận thức, giáo dục”, GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Không kể lực lượng quân đội, công an, hiện chúng ta có tới 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập và 2,5 triệu người ăn lương ngân sách. Không ai dám chắc, từ đề xuất thành lập một Viện Đạo đức sẽ kéo theo biết bao nhiêu Trung tâm đạo đức khác ở các vùng, miền, địa phương trong cả nước mà kết quả đào tạo thì chưa ai có thể nắm chắc, trong khi kết quả nhìn thấy trước là gánh nặng ngân sách sẽ càng thêm trĩu xuống. Tính chuyện mở Viện Đạo đức học trong tình hình hiện nay là không khả thi. Điều quan trọng nên làm là tổ chức giáo dục, thực hành đạo đức cho tốt, kiểm tra kiểm soát thật tốt bằng sự đánh giá của nhân dân./.