Đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII, ông Nguyễn Hữu Oanh, nguyên Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, ông nghiên cứu rất kỹ cách đặt vấn đề trong dự thảo. Báo cáo nêu được 15 vấn đề có tính chất cơ bản, chiến lược và 6 vấn đề trọng tâm. 15 vấn đề chiến lược thực sự là những vấn đề bức xúc hiện nay. Văn kiện cũng nêu tình hình và phương hướng giải pháp, cách đặt vấn đề như thế là rất hay và cụ thể. Còn 6 vấn đề trọng tâm cũng là những vấn đề rất trúng. 

Cách đặt vấn đề đã thực tế, không nặng về lý luận

“Cách đặt vấn đề như vậy tôi cho rằng Đại hội lần này không nặng về vấn đề lý luận, xa rời thực tiễn, trìu tượng mà đề cập đến nhiều vấn đề cụ thể, thiết thực với đời sống của nhân dân”- ông Oanh nói.

Trong vấn đề về mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát, có nêu về mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới, trong đó nhấn mạnh mục tiêu về công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế. Theo ông Nguyễn Hữu Oanh, “phải đặt vấn đề ngược lại, mục tiêu phát triển kinh tế là hàng đầu và mục tiêu xây dựng Đảng đặt sau kinh tế. Vì Đảng ta lấy vấn đề phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, vấn đề trọng tâm phải đặt trước vấn đề then chốt”.
nguyen_huu_oanh_simf.jpg
Ông Nguyễn Hữu Oanh, nguyên Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ

Trong dự thảo nêu rõ mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Ông  Oanh cho rằng, ông so sánh rất kỹ và thấy không có nội dung nào mới so với Đại hội lần trước, chỉ có “phát triển kinh tế nhanh, bền vững” là mới. “Nếu chúng ta nhìn mục tiêu tổng quát 5 năm tới như vậy thì sẽ không biết đường hướng 5 năm tới sẽ có sự bứt phá như thế nào? Đã là mục tiêu tổng quát thì phải đặt ra vấn đề mới, làm náo nức trong nhân dân”.

Không có nơi nào, tòa nhà 25 tầng xây xong đô trưởng mới biết

Theo ông Nguyễn Hữu Oanh, cũng trong phần đổi mới cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phần đánh giá tình hình rất đúng, nêu 7 hạn chế rất đúng nhưng xác định nguyên nhân chưa rõ ràng, và thường đặt vấn đề về nhận thức, tư tưởng chứ chưa nói rõ hạn chế do chính mình tạo nên.
Ông Nguyễn Hữu Oanh: "Trong phát triển đô thị hiện nay, phát triển đô thị của thủ đô Hà Nội là yếu kém nhất"

“Đó là vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực, hạn chế về nhận thức, tầm nhìn chiến lược. Tình trạng tham nhũng tràn lan, chưa có cách nào ngăn chặn được. Văn kiện cũng nêu rõ “tham nhũng ngày càng có chiều hướng phức tạp”, thì nguyên nhân của tình trạng này phải được đặt ra trong Văn kiện”- ông Oanh nói.

Ông Nguyễn Hữu Oanh cho rằng, vấn đề mới trong văn kiện lần này cần đặt ra là nhóm lợi lợi ích. “Lợi ích nhóm về ăn đất, ăn tiền, chạy chức chạy quyền… cần phải được đặt ra trong nguyên nhân. Có xác định được nguyên nhân mới tìm ra được phương hướng”.

Văn kiện cũng nêu 8 vấn đề đẩy mạng CNH, HĐH trong giai đoạn tới, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, phát triển vùng là rất trúng, nhưng nặng về quan tâm đến phát triển đô thị ở vùng biển, vùng di sản, vùng sinh thái mà không nói gì đến đô thị thủ đô.

“Tôi cho rằng, trong phát triển đô thị hiện nay, phát triển đô thị của thủ đô Hà Nội là yếu kém nhất. Trong 5 năm qua, thành phố Đà Nẵng, TP HCM, Huế… mỗi lần chúng ta đi qua đều thấy có thay đổi tích cực. Nhưng ở Thủ đô Hà Nội, càng ngày càng yếu kém trong phát triển. Không có thủ đô của một nước nào, diện tích đất nông nghiệp nhiều hơn diện tích đất công nghiệp, người làm nông nghiệp nhiều hơn người làm công nghiệp. Có 2 vấn đề đặt ra: có nên tính toán lại quy mô thủ đô hay không, hay cứ để kéo dài tình trạng này?”- ông Oanh trăn trở.

Theo ông Nguyễn Hữu Oanh, trong cả 3 lĩnh vực, quản lý về quy hoạch, xây dựng, môi trường ở Thủ đô đều yếu kém. “Không có thủ đô nào ngay trong trung tâm hành chính quốc gia xây xong 25 tầng mà ông đô trưởng mới biết, mới yêu cầu các cấp kiểm tra? Sau đó mới tính toán việc cắt tầng. Đây không phải là lần đầu tiên trường hợp này xảy ra ở Thủ đô, mà trước đó là tòa nhà ở Đào Duy Anh cũng bị cắt ngọn. Trong 5 năm tới, phát triển đô thị không chỉ quan tâm đến đô thị vùng biển, vùng hải đảo mà quan tâm đến chính Thủ đô Hà Nội, cho xứng tầm với một đất nước CNH-HĐH”./.