Đồng bào Khmer Nam bộ có gần 1,3 triệu người, chiếm 8% dân số Đồng bằng sông Cửu Long. 5 năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục được nâng lên, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc tiếp tục ổn định. Niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng ngày càng vững chắc, đặc biệt luôn tin tưởng và kỳ vọng ở kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần này.

Thượng tọa Lý Minh Đức, trụ trì chùa Sam-rong, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng cho biết, những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có dân tộc Khmer; đặc biệt là chính sách về giáo dục, nâng cao dân trí ở vùng đồng bào dân tộc luôn được quan tâm đặc biệt. 

Nhiều trường lớp ở vùng đồng bào Khmer đã và đang được xây dựng khang trang, chất lượng giáo dục dần được nâng cao, số lượng học sinh là người Khmer không ngừng tăng qua các năm. Bên cạnh đó là sự quan tâm giữ gìn và phát huy ngôn ngữ cho đồng bào Khmer Nam bộ thông qua việc giảng dạy song ngữ Việt - Khmer.

dong_bao_khmer_xzny.jpg
Tặng quà các nhà sư ở Trà Vinh nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay

Hiện nay, tại các tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống đều có hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và hàng năm thu hút rất nhiều con em của đồng bào Khmer vào học. Toàn khu vực hiện có 28 trường phổ thông dân tộc nội trú ở cấp tỉnh và huyện. 

Tại đây, ngoài việc tiếp thu những kiến thức phổ thông, các em học sinh còn được học tiếng dân tộc mình, được chăm lo nơi ăn chốn ở, được hưởng mức học bổng và nhiều hỗ trợ khác. Lâu nay, trường phổ thông dân tộc nội trú được coi là nơi tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực của điạ phương, góp phần đào tạo cán bộ cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Trong 5 năm qua, học sinh dân tộc còn được hưởng chính sách cử tuyển, dự bị đại học, đây là nguồn nhân lực kế thừa để phục vụ tại các vùng có đông đồng bào dân tộc hướng tới xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau phấn đấu đưa vùng đồng bào dân tộc phát triển, ổn định.

Thượng tọa Lý Minh Đức mong muốn, lãnh đạo Đảng trong nhiệm kỳ mới, tiếp tục có những chính sách mới trong công tác giáo dục và nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc, quan tâm đào tạo và tạo việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.

“Tôi mong muốn Đảng và Nhà nước tạo điều kiện và quan tâm nhiều hơn nữa để con em sau khi đi học về có công ăn việc làm. Hiện nay còn nhiều con em đồng bào dân tộc Khmer khi ra trường không có việc làm, lãng phí kiến thức mà các cháu đã được đào tạo”, Thượng tọa Lý Minh Đức nói.

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng kinh tế khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL đi lên. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer trong vùng hàng năm giảm 3-4%; từ hơn 30% năm 2011 xuống còn hơn 16% năm 2014. 

Cụ thể là Chương trình phát triển kinh tế xã hội ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, còn gọi là chương trình 135; Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Quyết định số 102, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn… với tổng số vốn hàng nghìn tỷ đồng đã đưa diện mạo nông thôn, đời sống của đồng bào các dân tộc Khmer ở các tỉnh ĐBSCL đổi thay và tăng lên rõ rệt.

Ông Thạch Minh Mẫn, cán bộ hưu trí ở tỉnh Trà Vinh - một trong những địa phương có tỉ lệ đồng bào Khmer thứ 2 ở ĐBSCL bày tỏ: “Dưới sự lãnh đạo và quan tâm của Đảng, Nhà nước thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể là đồng bào Khmer có đời sống vật chất cũng như tinh thần ngày càng phát triển. Ở Đại hội XII này tôi rất tin tưởng Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn được lãnh đạo tốt nhất, giỏi nhất và tiếp tục có những chính sách thiết thực hơn, giúp vùng đồng bào Khmer phát triển đi lên”.

Không chỉ quan tâm đên đời sống kinh tế, mà hiện nay cả vùng có 10 đài phát thanh, truyền hình của địa phương và Trung ương cùng 4 tờ báo Đảng địa phương ấn bản tiếng Khmer phát hành miễn phí xuống tận khóm, ấp vùng đồng bào sinh sống. 

Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống, văn hóa phi vật thể luôn được bảo tồn, phát huy. Từ năm 2003 đến nay, cứ 2 năm một lần “Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Khmer Nam bộ” được tổ chức… 

Trong khi đó trường Đại học Trà Vinh đã thành lập Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam bộ, chuyên đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào Khmer Nam bộ, trong đó có bộ môn nghệ thuật Khmer. 

Các lễ hội đặc trưng văn hóa Khmer như “Đua bò Bảy Núi”, “Đua ghe Ngo Sóc Trăng”cũng được nâng tầm lên thành lễ hội cấp tỉnh, cấp khu vực, lễ  “Ok – om – Bok Trà Vinh” được công nhận là văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt trong số 462 ngôi chùa Khmer ở Nam bộ có hàng chục ngôi chùa có ý nghĩa tiêu biểu về lịch sử và văn hoá được Nhà nước hỗ trợ hàng chục tỷ đồng để trùng tu, đưa vào danh mục xếp hạng.

Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh cho biết: “Sau khi các chủ trương chính sách của Đảng về dân tộc, tôn giáo đi vào cuộc sống chư tăng đồng bào phật tử Khmer rất phấn khởi. Bản thân tôi cũng như đồng bào rất tin tưởng vào Đại hội XII tiếp tục quan tâm chính sách dân tộc, tiếp tục tạo điều kiện cho chư tăng tu học, cũng như trong lễ hội trong sinh hoạt đúng với phong tục, đúng với văn hóa dân tộc”.

Những chuyển biến tích cực ở vùng có đông đồng bào Khmer thời gian qua, cho thấy những chính sách đầu tư đặc thù của Đảng, Nhà nước dành cho vùng có đông dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả và kịp thời. Đồng bào Khmer nói riêng và các dân tộc anh em trên cả nước nói chung hy vọng ở Đại hội XII này, Đảng, Nhà nước tiếp tục có chính sách thiết thực, kịp thời, cộng với sự quyết tâm cao độ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và ý thức tự lực vươn lên vùng đồng bào dân tộc sẽ có những bước phát triển nhanh và bền vững./.