Ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng, thực tế 86 năm ra đời và phát triển của Đảng chứng minh, nhân dân luôn là người giám sát trung thành nhất việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Nhân dân là người hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ, đảng viên nào tốt, xấu, có xứng đáng hay không, có lạm dụng chức quyền hay không, có gần gũi với nhân dân không... Vì vậy, để nhân dân tin vào Đảng, các tổ chức Đảng cần biết nghe dân phản ảnh, góp ý, phải loại bỏ những cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất để làm trong sạch bộ máy của Đảng.
Ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ. |
Cán bộ cứ muốn làm thầy, dạy bảo thì làm sao nghe dân
PV: Trung ương vừa qua đã thảo luận, thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Trong đó có cả biểu hiện cán bộ không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ông Đỗ Văn Ân: Lần này, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá một cách có hệ thống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên, đặc biệt là hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, không còn tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội, giao động, mất phương hướng, lời nói và hành động trái với quan điểm đường lối của Đảng. Từ đó đạo đức lối sống suy thoái rõ rệt, sống ích kỷ, vụ lợi, săn tiền, săn chức, săn quyền để vun vén cho lợi ích cá nhân; vô cảm trước bức xúc của nhân dân.
Trung ương đã chỉ ra nguyên nhân do công tác chính trị tư tưởng chất lượng thấp, thiếu sắc bén; phê bình và tự phê bình làm chiếu lệ hoặc không làm, nể nang, né tránh nhau, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Đây là hiện tượng rất nghiêm trọng trong nội bộ Đảng. Đồng thời Trung ương cũng đã chỉ rõ các nguyên nhân về cơ chế chính sách tác động, buông lỏng quản lý, đặc biệt là quản lý, kiểm tra giám sát quyền lực. Từ đó xảy ra hiện tượng lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích cá nhân, xảy ra nạn “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” tội và rất nhiều biểu hiện suy thoái, không đúng tư chất của người cán bộ đảng viên.
PV: Một trong những nguyên nhân chủ quan được Trung ương chỉ rõ là chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Rõ ràng khi cán bộ đã vụ lợi, tham nhũng thì làm sao còn nghe dân, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Ân: Đúng như vậy. Đảng ta có truyền thống xây dựng Đảng bao giờ cũng dựa vào dân, vì dân và cũng do dân kiểm tra, giám sát. Vì người cán bộ, đảng viên phải gắn bó với nhân dân, có tín nhiệm với nhân dân thì mới có tác dụng. Nhưng cán bộ, đảng viên đã thoái hóa biến chất thì họ coi dân là gì đâu? Đảng đã nói: cán bộ, đảng viên là đầy tớ trung thành của nhân dân nhưng lúc nào cũng muốn làm thầy dân, dạy bảo dân thì làm sao tiếp thu được. Trong khi chúng ta không có cơ chế giám sát bắt buộc phải nghe dân và chịu sự giám sát của nhân dân; nếu không chịu sự giám sát của nhân dân thì sẽ bị xử lý. Chính vì thế một số cán bộ thoái hóa biến chất đã nhằm vào các khe hở về công tác quản lý đảng viên mà gây nên những tiêu cực.
“Muốn chống lợi ích nhóm phải kiểm soát được quyền lực”
Cán bộ, đảng viên xấu hay tốt dân đều biết
PV: Bác Hồ từng nói dân chủ là làm sao để cho dân được mở miệng ra. Điều này lại càng đúng hơn bao giờ hết khi chúng ta muốn tăng cường vai trò nhân dân trong giám sát, phản biện. Bởi như ông nói cán bộ xấu, tốt dân biết hết, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Ân: Cán bộ, đảng viên xấu hay tốt dân đều biết, chỉ có điều dân có nói ra hay không. Cán bộ kê khai tài sản nói họ rất trong sạch nhưng dân biết anh hay chị giả dối trong khai hay không. Dân biết rất rõ việc đó. Đúng là khi nào dân dám mở miệng thì lúc bấy giờ dân chủ mới được bảo vệ, chân lý sẽ thắng.
Quy chế dân chủ chúng ta đã có nhưng việc tổ chức thực hiện, kiểm tra thực hiện của Đảng, Nhà nước còn rất yếu. Bởi vì Chỉ thị, Nghị quyết, các giải pháp đã có nhưng thông qua con người, tổ chức chỉ đạo thực hiện. Con người ở nơi ấy như thế nào thì trước hết vai trò rất quan trọng là người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi ngành, mỗi cấp. Người đứng đầu có “sạch sẽ”, liêm khiết, có vì dân hay không. Nếu vì bản thân thì không dám nói gì cả, họ làm ngơ hết.
Vì vậy, chọn cử đúng chuẩn những người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị là điều quyết định để đưa các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống và bảo vệ lợi ích, quyền dân chủ của nhân dân.
PV: Có việc người dân ngại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để phản ánh những vấn đề bức xúc trong cuộc sống vì sợ bị trả thù, trù dập, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Ân: Đúng là có một thực tế là dân biết hết những tiêu cực, những cái tốt, xấu của cán bộ, đảng viên nhưng dân không dám nói. Bởi vì cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước còn có khe hở, chưa đồng bộ. Bây giờ chống tham nhũng lại xử cả người đi hối lộ và người nhận hối lộ, thì không ai dám tố cáo. Vì vậy cơ chế chính sách hiện nay phải có những thay đổi như thế nào để cho dân dám nói, dám đấu tranh. Nếu không có cơ chế chính sách bảo vệ người ngay, người trung thực và xử lý nghiêm người có sai phạm thì rất khó.
Một số nước đã có cơ chế này. Ví dụ, người nào tố cáo được sai phạm thì sẽ nhận được phần thưởng. Đó cũng là cách để động viên sự nhiệt tình của nhân dân đóng góp xây dựng cho thể chế của chúng ta cho tốt lên.
Một trong 4 nhóm giải pháp đề ra là giải pháp về cơ chế chính sách, tôi hy vọng thời gian tới các cơ chế chính sách bảo vệ người ngay, người trung thực, người dám đấu tranh sẽ được ban hành.
“Cán bộ, đảng viên phải sống mẫu mực, nói đi đôi với làm“
Cấp trên phải làm gương cho cấp dưới
PV: Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, có ý kiến cho rằng giám sát, kỷ luật Đảng cần được chú trọng hơn, bởi lâu nay nói phê bình nhưng hiệu quả chưa cao hay có cơ chế chính sách nhưng yếu tố then chốt vẫn là con người quyết định?
Ông Đỗ Văn Ân: Tôi nghĩ hệ thống kiểm tra, thanh tra của chúng ta rất thụ động, thường là chờ báo chí phát hiện ra thì mới vào cuộc. Tổ chức Đảng trong hệ thống chính trị sức đấu tranh đã kém, hệ thống thanh tra, kiểm tra cũng ngồi chờ sai phạm được phát hiện thì xử lý. Nhưng việc phòng ngừa sai phạm mới đúng là yêu cầu đặt ra.
Theo tôi, hệ thống tổ chức của Đảng và của hệ thống chính trị phải có sự giám sát, đặc biệt là người đứng đầu phải có cơ chế giám sát cán bộ, đảng viên dưới quyền phải được kịp thời ngăn chặn, uốn nắn khi có những biểu hiện sai trái.
Bằng kinh nghiệm thực tế của chúng tôi ở địa phương, trước hết phải giao cho các ban của Đảng thường xuyên lắng nghe dư luận quần chúng nhân dân về một cán bộ, đảng viên nào đó có biểu hiện lệch chuẩn thì báo cho cơ quan lãnh đạo biết để người chủ chốt mời lên gặp gỡ, uốn nắn răn đe thì sai phạm mới được ngăn chặn ngay. Vì vậy hệ thống thanh tra, kiểm tra hiện nay phải giành thế chủ động trong việc phòng ngừa để giảm bớt những sai phạm của cán bộ. Và khi đã có sai phạm thì phải kịp thời xử lý nghiêm minh.
PV: Qua những chỉ đạo xử lý vụ việc cụ thể vừa qua, trên quan điểm thẳng thắng của Trung ương cùng tinh thần đổi mới ở Quốc hội, thông điệp kiến tạo vì dân của Chính phủ, ông kỳ vọng gì?
Ông Đỗ Văn Ân: Tôi rất mừng Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đặc biệt là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Mặt trận đã đề ra được những chủ trương, giải pháp.
Tôi cũng rất đồng tình và tin tưởng 4 nhóm giải pháp mà Trung ương đã đề ra. Song làm việc này không phải dễ, cũng không thể sốt ruột được mà phải làm từng bước, đẩy lùi từng phần những tiêu cực, đồng thời cũng không thể trì trệ mà phải làm tích cực. Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, kể cả trong phong cách chỉ đạo cũng phải sâu sát chứ không phải dừng ở việc đề ra nghị quyết, chỉ thị là coi như xong, mà phải kiểm tra bổ sung, điều chỉnh cho kịp thời như phong cách Hồ Chí Minh.
Vừa qua các đồng chí chủ chốt của Đảng đã làm được điều này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian “vi hành” vào chợ để kiểm tra an toàn thực phẩm. Đây là việc rất tốt và tất cả thủ trưởng các cấp nên làm như vậy. Khi đi thực tế không báo trước, đi đột xuất thì mới xem được toàn cảnh thực tế những tiêu cực, đồng thời cũng thấy được những tích cực mà bấy lâu nay bị che lấp.
PV: Xin cảm ơn ông!./.