Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII vừa được thông qua đã đưa ra những chủ trương cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới. Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, sau Đại hội, sẽ có những chính sách, giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu Đại hội đề ra, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại. 

Nghị quyết Đại hội đã thông qua mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP trong 5 năm tới là có thể thực hiện được, bởi Việt Nam đang có nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. 

Theo TS. Trần Đình Bá, Hội khoa học kinh tế Việt Nam, để đạt được tốc độ tăng trưởng nêu trên, Việt Nam cần có những đột phá quan trọng về cơ sở hạ tầng: “Theo tôi, tăng trưởng kinh tế 6,5% trở lên theo mục tiêu của Đại hội Đảng đề ra là có thể đạt được vì Việt Nam đang có lợi thế về nhân lực, lợi thế nông nghiệp, kinh tế biển. Việc đặt ra như vậy cho thấy mục tiêu phát triển bền vững.. Muốn làm được điều đó thì phải có những đột phá quan trọng về giao thông vận tải, vì đây là hoạt động kinh tế chiếm tỷ trọng cao. Do đó phải có trục giao thông Bắc - Nam thật tốt, kết nối được các thành phố lớn, lúc đó nền kinh tế tăng trưởng ổn định".

Một trong những điểm mới được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần này là đưa tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP. 

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung nêu ý kiến: “Tôi cho rằng đầu tư nhà nước đã hạn chế và không nên mở rộng, cần thu hút đầu tư tư nhân trong nước. Mà để làm được điều đó thì cải thiện môi trường kinh doanh và ổn định kinh tế vĩ mô là điểm mấu chốt. Còn mục tiêu đưa ra là giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống 4% GDP thì phải thắt chặt kỷ luật ngân sách, kỷ luật chi tiêu ngân sách, giảm chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu thường xuyên. 

Tôi nghĩ rằng mục tiêu đạt được nên là giảm chi tiêu hơn là tăng thu, để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, để người dân và doanh nghiệp chủ động tính toán được, từ đó tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh”./.