Những ngày qua, các tầng lớp nhân dân trong cả nước thể hiện sự tin tưởng vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng ta. Một số người trước kia còn e có vùng cấm, còn nghĩ chỉ “tắm từ vai trở xuống” thì nay tin tưởng hơn khi đã có nhiều cán bộ cấp cao bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật.

1_47485_myzu.jpg
Ảnh minh họa.
Chủ trương chống tham nhũng của Đảng không chỉ nói suông mà đã làm thật, làm nhanh chóng, làm đến cùng, đúng như câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “lò đã nóng lên rồi thì đến củi tươi cũng cháy…”

Củng cố niềm tin của nhân dân

Những ngày qua, chị Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang thường xuyên tìm đọc trên nhiều trang báo lớn về kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm của nhiều tổ chức Đảng và đảng viên, trong đó có những đảng viên đứng đầu TP Đà Nẵng. Chị Thuỳ Trang nhận xét, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất rõ ràng, cụ thể về những sai phạm của đảng viên, được công bố công khai, nhận được sự quan tâm và tin tưởng của nhân dân.

“Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc rất quyết liệt, kịp thời đối với những vấn đề người dân quan tâm và có những phản ánh của cán bộ, đảng viên. Đó là những kết quả rất đáng khích lệ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng ta” – chị Trang chia sẻ.

Kết luận về những sai phạm của tổ chức Đảng và đảng viên tại nhiều Bộ, ngành, địa phương cho thấy, công tác kiểm tra của Đảng được tiến hành rất nghiêm túc, bài bản, “tâm phục, khẩu phục” khi đã chỉ ra được những điểm cần khắc phục của công tác Đảng, công tác cán bộ hiện nay. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu chỉ đạo đưa ra xét xử công khai nhiều vụ đại án tham nhũng thời gian qua, đã cho thấy quyết tâm của Đảng loại bỏ tệ tham nhũng trong hệ thống chính trị.

Nhiều vụ đại án được điều tra kỹ, khi đưa ra xét xử có tình tiết mới được chỉ đạo điều tra bổ sung và đã “lôi” ra được nhiều “con sâu” đục khoét trăm tỷ, ngàn tỷ ngân khố quốc gia. Nhiều kẻ tham nhũng đã bị tuyên phạt những mức án cao nhất.

Từ góc độ nghiên cứu khoa học, TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TPHCM khẳng định, tham nhũng là tha hoá quyền lực nhằm vơ vét tài sản nhà nước để vinh thân, thậm chí sẵn sàng đánh đổi “hy sinh đời bố để củng cố đời con”…

Tham nhũng cùng với cơ chế kinh tế thị trường đang đẩy chủ nghĩa kim tiền lên ngôi, khiến một số người có chức, có quyền giàu lên một cách bất thường, nhanh chóng. Hiện tượng đó là đi ngược lại với những giá trị của Chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng, đó là xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

“Quyết liệt chống tham nhũng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Lần này là làm thật, làm đến nơi đến chốn, không còn vùng cấm, không còn ai được đứng trên kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ai đã vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là tham nhũng thì phải trừng phạt nghiêm khắc. Phải lấy lại những tài sản của Nhà nước, của nhân dân mà họ đã chiếm đoạt. Phải xử thật nghiêm để những kẻ manh nha đầu óc muốn tham nhũng nhìn vào đấy mà khiếp sợ” - TS Nguyễn Việt Hùng bày tỏ.

Nếu “củi tươi” còn ở ngoài lò thì còn nguy hiểm hơn 

Chúng ta đều biết công cuộc phòng, chống tham nhũng đã và đang gặp phải muôn vàn khó khăn. Những “củi khô” thì đã lộ diện “hai năm rõ mười” rồi. Những “củi vừa vừa” thì cũng không thể trốn tránh kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Còn những “củi tươi”, nếu quan sát kỹ, mọi người thấy họ có biểu hiện nói thì rất hay, rất mạnh nhưng khi làm thì ngược lại.

Nhiều người còn nhớ lúc nhận nhiệm vụ có cán bộ cấp cao đã nói “tôi chỉ có 4 chữ thôi: vì dân phục vụ” hay là “nếu ai phát hiện tôi có một mảnh đất thêm ngoài ngôi nhà tôi đang ở thì tôi xin từ chức Bí thư Thành uỷ” … Người dân đã từng rất phấn khởi khi nghe những lời nói ấy, nhưng sự thật thì lại quá phũ phàng.

Ông Phạm Văn Hễ, một cựu chiến binh tại phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM nêu thực tế nhiều cán bộ hưởng lương 3-4 triệu đồng mà có nhà trị giá hàng chục tỷ đồng, con cái đi du học nước ngoài, thì không thể chân chính được. Nguồn thu nhập ấy rất có thể từ tham nhũng tiền thuế của nhân dân.

Ông Hễ rất hoan nghênh công cuộc phòng, chống tham nhũng trong toàn xã hội hiện nay bằng việc thực hiện nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng ta. Tuy nhiên, số vụ án tham nhũng bị phát hiện còn ít so với tệ tham nhũng hiện nay mà theo ông Hễ thì đã trở thành quốc nạn, một thứ giặc nội xâm.

Theo ông Hễ: “Để tăng niềm tin của nhân dân vào sự quyết liệt của Đảng trong công cuộc chống tham nhũng, thì giữa việc kê khai tài sản và thu nhập phải thật chặt chẽ và thường xuyên. Làm sao để khi báo chí chưa đưa ra thì Đảng đã phát hiện và xử lý rồi. Nếu làm tốt 2 khâu này thì việc phòng, chống tham nhũng mới có hiệu quả, mới đi vào thực chất”.

TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, biện pháp chống tham nhũng cần làm ngay, làm thường xuyên là phải phát hiện được “củi tươi” đã hỏng để xử lý. Bởi nếu “củi tươi” còn ở ngoài lò thì vẫn gây hậu quả và nguy hiểm hơn là nó hình thành nhóm “củi tươi” có chung lợi ích thì sẽ khó chống hơn.

“Bên cạnh những việc đã rõ, đã làm, chúng ta cần thường xuyên cảnh giác, tăng cường dân chủ trong Đảng, đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình, huy động toàn bộ sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân để chúng ta nhanh chóng phát hiện củi đang tươi mà đã hỏng… Lúc đó thì hiệu quả chống tham nhũng mới cao hơn” – TS Nguyễn Việt Hùng nói.

Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo các quy định này, cán bộ không được tham vọng quyền lực, không được để cho vợ, chồng, con cái người thân lợi dụng cương vị công tác của mình để trục lợi… Nếu mỗi cán bộ đảng viên thực hiện tốt quy định này thì tin chắc rằng tình trạng tham nhũng sẽ giảm, niềm tin của nhân dân với Đảng sẽ tăng lên rất nhiều./.