Sáng nay (23/11), Tỉnh ủy Vĩnh Long và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long – năm 1940”, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Nam Kỳ khởi  nghĩa (23/11/1940 – 23/11/2015).

Có 67 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Lịch sử Quân sự - Bộ Quốc phòng và Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ được gửi đến Hội thảo.

Tại hội thảo nhiều tham luận đã nêu lên bài học kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa thất bại là do điều kiện khách quan và chủ quan chưa chín muồi cho cuộc khởi nghĩa thành công.

Khởi nghĩa bị thất bại là do bị bại lộ trước khi khởi nghĩa diễn ra. Tuy nhiên, về ý nghĩa lịch sử cuộc khởi nghĩa đã khẳng định rằng muốn đối đầu với bạo lực phản cách mạng của kẻ thù thì chúng ta phải sử dụng bạo lực cách mạng, trong đó có chiến tranh vũ trang.  

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã báo hiệu sự mở đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang trên phạm vi cả nước, để lại cho Đảng Cộng sản Việt Nam những bài học quý báu về bài học đón thời cơ của cách mạng; bài học về xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức cuộc khởi nghĩa trên phạm vi rộng lớn; bài học về sự chủ động sáng tạo của nhân dân và bài học về tính  bảo mật trong chiến tranh.

Trình bày tham luận tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra tuy thất bại, bị thực dân Pháp và tai sai đàn áp dã man, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề, nhưng sự kiện này có ý nghĩa lịch sử to lớn, đã khẳng định sự lãnh đạo chiến lược cách mạng đúng đắn của Đảng là phải tiến hành đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, xây dựng hậu phương căn cứ địa để chuẩn bị điều kiện đầy đủ cho cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. 

Tham luận của PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà khẳng định, đây là cuộc khảo nghiệm bước đầu chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đúng đắn và sáng tạo của Đảng.

Về giá trị của Khởi nghĩa Nam Kỳ, PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, nhấn mạnh: “Điều chúng tôi rất tâm đắc đó là cuộc khởi nghĩa này mở ra tiền đề cho cuộc Tổng khởi  nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Mặc dù cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, nhưng Đảng bộ, Nhân dân ở Nam Bộ của xứ ủy Nam Kỳ và các tỉnh đã nhanh chóng khôi phục lại lực lượng và quán triệt tinh thần của Trung ương khi thời cơ đến thì đứng dậy phát động khởi nghĩa cùng cả nước giành thắng lợi”./.

>> Xem thêm: Bảo kiếm Marx-Lenin giúp Đảng giành thắng lợi huy hoàng