Bên lề phiên chất vấn Thống đốc và Bộ trưởng Xây dựng, các đại biểu Quốc hội chia sẻ với báo chí về chất lượng trả lời chất vấn của hai vị tư lệnh ngành.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng): Thống đốc trả lời thẳng thắn và đầy trách nhiệm.

tran%20ngoc%20vinh_hai%20phong.jpg

Thống đốc NHNN đã trả lời vấn đề khá rõ ràng, tôi đánh giá cao những câu trả lời của Thống đốc, thẳng thắn và đầy trách nhiệm. Ngân hàng là một lĩnh vực rộng lớn, đòi hỏi trách nhiệm của nhiều ngành chứ không riêng gì ngân hàng. Vấn đề nợ xấu ngân hàng được dư luận hết sức quan tâm, quản lý thị trường vàng cũng rất nóng trong suốt thời gian qua. Thống đốc đã lý giải được một phần nguyên nhân và đưa ra các nhóm giải pháp. Tuy nhiên, theo tôi vẫn có một số vấn đề còn bất cập trong việc xử lý nợ xấu, việc DN tiếp cận vốn vay của NH, việc xác định thương hiệu vàng SJC. Thống đốc cần phải tiếp tục có những giải pháp phù hợp và quyết liệt hơn.

Đại biểu Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương): Băn khoăn về cách giải quyết nợ xấu.

Phần trả lời của Thống đốc khá rõ ràng, khái quát được các nguyên nhân gây ra nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, tôi có chút băn khoăn với báo cáo của Thống đốc cho rằng, 46% nợ xấu có tài sản thế chấp. Hiện nay đang tồn tại một thực tế là nhân viên tín dụng ngân hàng thường hay định giá tài sản thế chấp cao hơn so với giá trị thực của nó, có thể do tiêu cực… Nay nếu NH phải đem những tài sản đó ra cầm cố, bán gán nợ thì sẽ rất khó để thu hồi đủ số nợ ban đầu do giá trị tài sản thực thấp hơn so với so với giá trị được ngân hàng định.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên): Chưa hài lòng với phần trả lời của Thống đốc

Nói chung tôi cũng chưa hài lòng với phần trả lời của Thống đốc, nhiều chỗ Thống đốc vẫn chưa trả lời trọn vẹn cho câu hỏi của tôi cũng như của một số đại biểu khác. Thống đốc chỉ trả lời một cách đại cương, nhất là trong các giải pháp giải quyết nợ xấu, thành lập Công ty mua bán nợ. Thống đốc chỉ nói là chờ Chính phủ phê duyệt đề án. Đây là vấn đề mà đại biểu rất quan tâm, muốn biết mô hình hoạt động của Công ty này ra sao. Muốn ngay trong kỳ họp này, Chính phủ báo cáo một đề án về xử lý nợ xấu và hàng tồn kho, trong đó có đề án thành lập Công ty mua bán nợ. Chứ theo như lời Thống đốc nói, chờ Chính phủ phê duyệt đề án rồi mới trình Quốc hội biết thì sợ rằng sẽ thành sự đã rồi, Quốc hội cũng khó giám sát.

Nợ xấu, ai cũng hiểu một trong những nguyên nhân là hiện tượng tiêu cực và vi phạm pháp luật trong cán bộ nhân viên ngành ngân hàng. Nhưng trả lời câu hỏi của tôi thì Thống đốc cũng không đề cập tới vấn đề này. Tôi hỏi trách nhiệm của Thống đốc để xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng liên quan tới ngân hàng như vụ ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá thì Thống đốc vẫn chưa trả lời. Chúng tôi mong Thống đốc phải trả lời rõ hơn.

Việc giảm nợ xấu xuống 3% hoàn toàn có thể xử lý được nếu thành một Công ty mua bán nợ hoặc Công ty quản lý tài sản vì nguồn Công ty này tham gia xử lý nợ xấu khoảng 100.000 tỉ. Công ty có thể tung tiền này ra mua nợ xấu. Nhưng sau khi mua xong nợ xấu thì xử lý tiếp theo ra sao, có thể gây ra những hậu quả khác. Nếu không Công ty này sẽ mua những loại nợ do những hành vi phạm tội hoặc mua những nợ đã bị mất trắng. Nên phải xem việc đưa tỉ lệ nợ xấu xuống 3% có bền vững hay không.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình): Sẽ tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Xây dựng bằng văn bản.

Tại phiên chất vấn sáng nay, tôi chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng 2 câu hỏi, tuy nhiên Bộ trưởng chỉ mới trả lời tôi 1 câu. Đối với câu trả lời của Bộ trưởng tôi cũng chưa thực sự hài lòng lắm. Bởi vì tôi yêu cầu Bộ trưởng phải đưa ra các hạng mức, thời hạn cụ thể để ban hành được định mức, đơn giá cho các công trình xây dựng. Vì đây là vấn đề mấu chốt trong việc lập dự toán cũng như việc thanh quyết toán cho các công trình xây dựng. Tuy nhiên Bộ trưởng chỉ nói chung chung là sẽ quan tâm trong thời gian tới. Khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc thì Bộ trưởng mới nói là thời hạn đến cuối năm. Với cách trả lời của một vị đứng đầu ngành xây dựng thì nên trả lời một thời gian cụ thể sẽ tốt hơn.

Còn câu hỏi thứ hai của tôi Bộ trưởng cũng chưa trả lời. Đó là sự phối hợp giữa các đơn vị từ chủ đầu tư, chủ dự án tới việc bố trí ngân sách, bố trí vốn đầu tư để các công trình đi vào hiện thực như thế nào? Vì vậy, tôi sẽ có câu hỏi bằng văn bản để yêu cầu Bộ trưởng trả lời, khi nào nhận được câu trả lời hài lòng tôi mới thôi, đó cũng là thể hiện quyền giám sát của các đại biểu Quốc hội, thay mặt cử tri, nhân dân để giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như Bộ trưởng nói riêng.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam): câu trả lời của Bộ trưởng chưa cho thấy sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2.

Tôi chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ngay trong hội trưởng, khi nhận được câu trả lời của ông Dũng, mọi người cũng đã cười rộ lên chứng tỏ câu trả lời của Bộ trưởng chưa cho thấy sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2. Tại sao các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành có nhiều ý kiến khác nhau, mà chúng ta không đứng ra tổ chức hội thảo, đặt tất cả các vấn đề trên bàn để mọi người được tranh luận tới cùng.

Tôi hỏi Bộ trưởng tại sao Thủy điện Sông Tranh 2 an toàn mà chưa tích nước, nhưng thật ra tôi cũng muốn hỏi là Bộ trưởng có biết là chưa tích nước thì TĐST 2 cũng đang chứa trong nó hơn 200 triệu m3 nước. Hai tổ máy của nhà máy thủy điện này vẫn hoạt động bình thường với doanh thu vài tỉ đồng/ngày. Nếu sự cố xảy ra, với khối lượng nước ấy thì hậu quả với người dân khôn lường.

Bây giờ người ta không nói là vỡ đập nữa rồi mà đề cập tới khả năng đập bị trượt ra vì vai đập được kết cấu bám vào đá núi. Với sự rung lắc như hiện nay thì khả năng vai đập trượt khỏi vách đá có thể xảy ra./.