Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khẳng định điều này sáng nay (13/11), khi trả lời chất vấn của Quốc hội.
Đã hạn chế vàng hóa nền kinh tế
Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị Thống đốc có giải pháp gì để huy động nguồn lực vàng trong dân; làm rõ việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thời gian qua và biện pháp xử lý.
Theo Thống đốc, đến nay, chưa có khảo sát chính thức là có bao nhiêu vàng trong nền kinh tế. Nhưng từ thực tế hoạt động quản lý, có thể ước là 250-400 tấn vàng tùy thời kỳ. Con số này trong thời kỳ biến động mạnh là do xuất nhập lậu qua biên giới. Hiện tại khoảng 300 tấn vàng có trong dân.
Theo tính toán của Thống đốc, 1 tấn vàng = 50 triệu USD. Nếu có 300 tấn vàng thì có khoảng 150 tỷ USD. Chúng ta có lượng tiền rất lớn nằm bất động ở vàng, dưới dạng ngoại tệ. Nguồn lực này bị lãng phí, chôn vùi. Làm sao huy động được và không làm tăng thêm vàng hóa trong nền kinh tế, làm sao cho vàng chảy ra thành VND. Đấy là mục tiêu đặt ra trong đề án chống vàng hóa. Nền móng là Nghị định 24.
Số liệu từ 25/5-25/10 (sau 5 tháng thực hiện NĐ 24) có kết quả rất lớn. Hệ thống TCTD mua lại của dân hơn 60 tấn vàng (30 tỷ USD). Khi mua lại như vậy, vàng đã biến thành tiền để phục vụ nền kinh tế.
"Nếu như không phải vì quý 4, thường do quý này thanh khoản căng thẳng, thì tôi dám chắc, các TCTD sẽ phải mua hết số vàng họ nợ của dân đến ngày 25/11. Thời gian qua, thấy rằng nhìn chung về chính sách tiền tệ không nên làm căng thẳng gia tăng thì đã cho hoãn đến tháng 6/2-13 để giãn bớt căng thẳng. Vì thế, có thể mua thêm khoảng trên 80 tấn vàng trong năm nay. Bước đầu đã huy động được vàng phục vụ cho quốc kế, dân sinh" – Thống đốc nói.
Thống đốc nhớ lại, vàng là một cứu cánh cho nền kinh tế 2012. Giờ này năm ngoái, bức tranh trên thị trường tiền tệ khác hẳn, các NHTM còn vay nhau với lãi suất 25-30%, thậm chí cao hơn, nguy cơ mất thanh khoản lan rộng trong toàn hệ thống. Các DN vay lãi suất trên 20%, lúc đó chúng ta đặt mục tiêu để DN vay khoảng 17-19%. Thanh khoản vô cùng cạn kiệt.
Cùng thời gian này, Quốc hội cũng đã thông qua các chỉ tiêu của năm 2012, chúng tôi lo lắng vì lấy tiền đâu phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước. Trong khi tình hình kinh tế quốc tế rất khó khăn. Nếu bơm tiền ra để đảm bảo thanh khoản thì không có cách gì chống lạm phát… Thế nhưng, "Đến nay, việc chống được vàng hóa bước đầu đã tạo nguồn tiền phục vụ phát triển kinh tế 2012" – Thống đốc nhấn mạnh.
Không còn cơ hội cho nhập lậu vàng?
Theo Thống đốc, trước đây, mỗi khi giá vàng trong nước có biến động tạo ra sự chênh lệch lên-xuống so với giá vàng thế giới thì gây nhiều biến động về kinh tế vĩ mô, tác động thông qua mức tỷ giá. Nếu giá vàng trong nước chênh lệch cao hơn thế giới chỉ 400.000 đồng/lượng thì đã có hiện tượng đầu cơ, buôn lậu vàng qua biên giới ở qui mô rất lớn.
Trong nhiều năm qua, trước khi Nghị định 24 có hiệu lực, mỗi năm có 10-30 tấn vàng/năm nhập lậu qua biên giới. Mỗi lần chênh lệch như vậy, các đối tượng buôn vàng gom vàng trên thị trường chợ đen khiến cho thị trường chợ đen vàng, ngoại tệ hoạt động rất sôi động trong những năm trước đây. Mỗi lần có hiện tượng như vậy, lập tức tỷ giá trên thị trường chợ đen tăng cao, kéo theo tỷ giá trên thị trường chính thức tăng theo. Từ chỗ làm cho tỷ giá tăng lên ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu. Vì độ mở nền kinh tế lớn, vì thế tỷ lệ nhập siêu lớn, ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trong nước.
Trước khi NĐ 24 ra đời, thị trường vàng của ta bỏ ngỏ, không ai quản lý vàng miếng. Vàng miếng được phân ra thành nhiều đoạn, mỗi bộ, cơ quan quản lý một khúc trong cả thị trường. Ví dụ, NHNN chỉ có trách nhiệm quản lý vàng nhập khẩu cho phép dập vàng miếng. Nhưng khi dập thành vàng miếng rồi thì nó được cho là hàng hóa bình thường.
Đất nước ta có trên 12.000 cửa hàng kinh doanh vàng miếng. Khi đã trở thành hàng hóa bình thường thì DN chỉ cần trong giấy phép ghi là kinh doanh vàng là đã có thể buôn bán vàng miếng. Vàng miếng được lưu hành rất thoải mái, coi như một hàng hóa bình thường. Môi trường pháp lý như vậy nên hoạt động thị trường hết sức bất cập.
Nghị định 95 (về xử phạt hành chính) ra đời cuối 2011 và NĐ 24 đã bước đầu đạt mục tiêu : Nhập lậu vàng gần như được ngăn chặn. Từ tháng 4 trở lại đây, tỷ giá ngoại tệ ổn định. Giá vàng trong nước và quốc tế tăng dần lên, đến nay lên mức 3 triệu đồng/lượng. Thống đốc nhận xét : "Nếu là trước đây với lợi nhuận như thế thì đây là cơ hội lớn cho người nhập lậu vàng. Nhưng bây giờ không ảnh hưởng đến tỷ giá, kinh tế vĩ mô, giá cả, lạm phát".
Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị Thống đốc làm rõ việc trước đây, phí dập vàng miếng SJC là 7.000-8.000 đồng/lượng, nay SJC độc quyền thì mức phí này là 50.000 đồng/lượng. Thống đốc cho biết: đã đề nghị các vụ chức năng tìm hiểu, chưa thấy chỗ nào, ngay cả SJC, chưa bao giờ có giá dập vàng miếng 7.000-8.000 đồng/lượng. Nay, đưa mức giá 50.000 đồng là đã tính toán đầy đủ chi phí với SJC. Trước đây, SJC cũng có khung giá, nhưng khi có sốt trên thị trường thì tất cả các cty có vàng miếng đều đến dập ở SJC. Có ý kiến phản ánh là SJC lấy cao hơn mức 40.000 đồng/lượng.
"Với mức giá này, NHNN quản lý được và 50.000 đồng là mức hợp lý". Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định nếu liên thông vàng thế giới thì chấp nhận là lại đầu cơ vàng. “Như vậy khẳng định là không liên thông” – Thống đốc nói.
Ngay sau khi Thống đốc kết thúc phần trả lời, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết phản biện lại: “Thống đốc trả lời hay và khôn, Thống đốc đừng tưởng dân không biết gì. Nghị quyết năm 2011 nêu phấn đấu không để giá trong nước chênh lệch giá thế giới. Nghị quyết năm 2012 khẳng định liên thông giá quốc tế bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân. Thống đốc trả lời thế có mâu thuẫn với Nghị quyết Quốc hội không? Thu hút được 60 tấn vàng liệu có đưa vào sản xuất kinh doanh không hay là để trả nợ người dân khi mà NHNN không cho huy động vàng”.
Trả lời Đại biểu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: “NHNN phải cho nhập 15.000 tấn vàng vào năm 2010 để giá sát nhau. Sau đó không cho nhập thêm tý vàng nào nữa vì môi trường pháp lý thay đổi và việc nhập không còn giá trị thực tiễn”./.