Kết luận Hội nghị trực tuyến về tổ chức hệ thống chính trị và các vấn đề có liên quan tại các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) diễn ra chiều 23/4 tại Hà Nội, sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các cơ quan, đơn vị, địa phương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Phạm Minh Chính đã chốt lại một số quan điểm, nguyên tắc và định hướng nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức hệ thống chính trị và các vấn đề có liên quan tại các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

pham_minh_chinh_vov_hdlh.jpg
Ông Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị

Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện và mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; những việc còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, bàn bạc để thống nhất chủ trương, giải pháp phù hợp và tổ chức thực hiện.

Về định hướng nhiệm vụ, giải pháp đối với mô hình tổ chức Đảng ở các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Thống nhất văn phòng phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy; Hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt cho phù hợp với dự thảo Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; Thực hiện kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và chính quyền đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; Thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch ủy ban nhân dân đặc khu; Tập trung nghiên cứu theo hướng có 2 phó bí thư cấp ủy đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Về mô hình tổ chức chính quyền đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt theo hướng có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, nhưng đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cách thức hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, góp phần cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, thực hiện theo đúng tinh thần tinh giản biên chế của Nghị quyết 39.

Dựa trên nguyên tắc là không để trống quyền lực, cần nghiên cứu và chuẩn bị đề xuất để thực hiện theo hướng: Đảng bộ, chính quyền cũ phải tổ chức bầu được Đảng bộ, chính quyền mới theo các luật của Nhà nước và quy định của Đảng, sau đó mới chuyển giao, không để xảy ra xáo trộn, đảo lộn, không ảnh hưởng đến an sinh xã hội, không ảnh hưởng đến các hoạt động của Đảng, của chính quyền, đồng thời phải tổ chức tốt đội ngũ cán bộ để phục vụ. Đội ngũ cán bộ này vừa phải cơ cấu lại, vừa phải nâng cao chất lượng và vừa phải giảm biên chế. Đặc biệt, lưu ý vấn đề đội ngũ cán bộ không được khép kín, mà rất linh hoạt, không nhất thiết chỉ có cán bộ địa phương, mà cũng không nhất thiết phải cán bộ trung ương về, đảm bảo các nguyên tắc cơ cấu lại, nâng cao chất lượng; đúng vị trí việc làm, khung năng lực, trên cơ sở đó để bố trí cán bộ cho hợp lý; và tinh giản biên chế.

Định hướng về Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội tại các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sắp xếp theo nguyên tắc: Trưởng ban dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Thực hiện mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội (như mô hình Ban Bí thư đã cho thí điểm tại tỉnh Quảng Ninh); Sắp xếp mô hình tổ chức và hoạt động san cho khắc phục bằng được tình trạng “hành chính hóa” hoạt động và “công chức hóa” cán bộ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội.

Đối với, ngành, nghề và chính sách ưu đãi, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần phát triển những ngành, nghề, lĩnh vực chủ đạo, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, tiềm năng, lợi thế so sánh và điều kiện thực tế của từng địa phương cần nghiên cứu theo hướng phát triển công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế tri thức, chống biến đổi khí hậu, ngân hàng, tài chính, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí… Các cơ quan đơn vị chức năng và các địa phương cần rà soát theo hướng  các ngành nghề cần ưu tiên thì chính sách ưu đãi phải bằng hoặc cao  hơn so với các nước trong khu vực.

Ông Phạm Minh Chính đề nghị: “Bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị đó là chính sách ưu đãi về kinh tế, xã hội được quy định trong Luật và đảm bảo tính vượt trội đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Do đó, chúng ta ưu tiên ngành nghề nào thì xác định chính sách ưu tiên so với quốc tế phải bằng hoặc hơn  thì mới cạnh tranh được. Theo đó phải dựa trên nguyên tắc quyền đảm bảo lợi ích của quốc gia, dân tộc địa phương với người dân và doanh nghiệp”./.