Sáng 26/9, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị lấy ý kiến và tiếp xúc cử tri chuyên đề dự án Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt.

Tham dự Hội nghị có đại diện Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia về xây dựng pháp luật và lãnh đạo 3 tỉnh: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang. Đây là 3 địa phương sẽ hình thành  đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

don_vi_hanh_chinh_lpac.jpg
Hội nghị lấy ý kiến về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Ảnh: Nhân Dân)
Dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt vừa được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Dự án Luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt gồm 6 chương, 92 điều. Điểm đặc biệt của dự luật này là quy định cơ chế đặc biệt, có thể vượt các luật khác, phù hợp với quy định của Hiến pháp. Đề xuất của Chính phủ là không tổ chức cấp chính quyền ở đặc khu, mà tại các đơn vị này, chính quyền địa phương là trưởng đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt và có bộ máy giúp việc. Quy định phân cấp rất mạnh cho trưởng đơn vị ngay trong luật. Trưởng đơn vị do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức.

Sau khi tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo có mô hình mới là lập hội đồng giám sát và tư vấn bên cạnh trưởng đơn vị, có dấu Quốc huy. Bên cạnh giám sát, hội đồng này còn thực hiện nhiệm vụ quan trọng là tư vấn, phản biện...

Tại Hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh mục tiêu để đặc khu có sức cạnh tranh quốc tế, có sức lan tỏa, trở thành cực tăng trưởng của cả nước, phải tạo ra thể chế vượt trội với các chính sách đặc thù, trong đó có chính sách bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh bình đẳng, hấp dẫn, minh bạch, ổn định, phù hợp tập quán quốc tế, mở cửa thị trường, xóa rào cản trong hoạt động đầu tư kinh doanh… 

Ông Trần Quốc Đạt, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa  đề nghị tiếp tục có những quy định đột phá để tháo gỡ rào cản cho các nhà đầu tư.

Ông Trần Quốc Đạt cho rằng quy định như dự án luật hiện nay có sự ràng buộc, chỉ nên quy định những ngành nghề có điều kiện trong đơn vị hành chính đặc biệt này, còn các văn bản khác cần phải xem xét lại. Nên giảm bớt các điều kiện, tiêu chuẩn có thể gây cản trở cho các nhà đầu tư.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, mặc dù chủ trương thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có từ nhiều năm trước nhưng việc xây dựng luật còn chậm. Các đại biểu đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào 4 nhóm vấn đề đó là: Quan điểm chỉ đạo dự án luật, phạm vi cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để tạo được sự đột phá, động lực thu hút đầu tư, phát triển; Mô hình tổ chức của Chính quyền địa phương; Giải quyết những vấn đề áp dụng pháp luật trong tranh chấp; Vấn đề tổ chức hệ thống chính trị, tổ chức các cơ quan tư pháp, sắp xếp cán bộ, công chức…

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, xây dựng dự án luật đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt là việc làm quan trọng, còn nhiều vấn đề rất mới mẻ, vì vậy, việc tham khảo ý kiến các đại biểu rất cần thiết.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ quyết định vào  kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5/ 2018. Đây là một bộ Luật tạo ra khuôn khổ pháp lý, tạo ra động lực thu hút các nhà đầu tư vào các khu hành chính- kinh tế đặc biệt. Vì vậy, cần có cơ chế tổ chức, chính sách đặc biệt khác hơn những đơn vị bình thường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: “Những cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo ra sự đột phá, tạo động lực cho đầu tư, phát triển các khu hành chính- kinh tế đặc biệt này. Do vậy phải xác định được cơ chế gì, lĩnh vực nào, và phải đảm bảo nguyên tắc không trái với Hiến pháp, nhưng vẫn có thể vượt trội so với quy định pháp luật hiện hành để có thể tạo ra sức hấp dẫn, sức cạnh tranh để phát triển”./.