Trong phiên làm việc chiều 15/11, Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên làm việc này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri trên cả nước.
Cử tri nhận xét, các đại biểu Quốc hội đã thực sự dồn tâm, góp trí để đóng góp cho việc sửa đổi Hiến pháp, từ cấu trúc, câu từ, cho tới việc làm rõ thêm một số nội dung trong bản dự thảo. Cử tri Vũ Bích Hà, phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội nói: “Tôi thấy các đại biểu đóng góp ý kiến rất sôi nổi và cũng có nhiều ý kiến hay, làm cho dự thảo Hiến pháp rõ ràng hơn, cụ thể hơn. Nhất là về thiết chế kiểm soát quyền lực của các cơ quan. Tuy nhiên, tôi mong rằng ban soạn thảo nên nghiên cứu để thể chế hóa cụ thể hơn để đảm bảo việc thực hiện kiểm soát quyền lực của nhà nước”.
Nội dung được nhiều cử tri quan tâm là Quy định về bộ máy chính quyền địa phương. Hiến pháp năm 1992 đã dành một chương về Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, nhưng trong Dự thảo lần này chỉ đề cập tới “chính quyền địa phương”. Cử tri Nguyễn Quang Sơn, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông cho rằng: “Theo tôi Hiến pháp cần quy định rõ về chính quyền địa phương cụ thể như thế nào. Thứ nhất là quy định chính quyền cấp huyện phải quy định cụ thể: Ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân hay là Ủy ban hành chính, hội đồng nhân dân. Ví dụ có thể quy định như Hiến pháp 1992 hoặc là sửa tên như thế nào đó. Nếu để tồn tại Hội đồng nhân dân thì cũng phải cải cách như thế nào để có quyền lực thực sự. Thứ hai nữa là nếu không có Hội đồng nhân dân thì khi hết nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân thì ai bầu ra ủy ban nhân dân”.
Nhiều cử tri bày tỏ, ngoài các vấn đề về chính trị xã hội, thiết chế chính trị… thì dự thảo sửa đổi Hiến pháp có rất nhiều điều liên quan tới người dân. Đặc biệt chương quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Cử tri cho rằng, với đóng góp của các đại biểu quốc hội thì chương này đã làm rõ được nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân và đã kịp thời bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình đổi mới 25 năm qua ở nước ta, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người.
Cử tri Nguyễn Thị Thu Hiền, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình nói: “Trong sửa đổi bổ sung, tôi tâm đắc nhất là quy định về quyền con người. Trước đó, Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định quyền con người bằng cụm từ là quyền con người ở tại điều 49 và quy định về việc tôn trong quyền con người và chương quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân thì lại được đặt ở chương 5. Trong lần sửa đổi hiến pháp này thì quyền con người, quyền công dân đã được thiết kế và thể hiện ở một chương riêng. Vấn đề này tôi cho là nó đã thể hiện được sự tiến bộ rõ rệt của hiến pháp sửa đổi. Bởi nó thể hiện tư tưởng quan điểm coi trọng quyền con người trong tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước”.
Nhiều cử tri đồng tình với việc Quốc hội dành thời gian 3 tháng để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; cho rằng việc làm này phát huy được tinh thần dân chủ và huy động được trí tuệ của nhân dân trong xây dựng Hiến pháp. Cử tri Hoàng Thị Tưởng, ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội đóng góp ý kiến: “Tôi cho rằng việc lấy ý kiến nhân dân là cần thiết, với thời gian lấy ý kiến 3 tháng tôi nghĩ là cũng đủ để nhân dân cho ý kiến. Vì chủ trương sửa đổi Hiến pháp cũng đã được thông báo rộng rãi, từ năm 2011 đến nay. Do đó thời gian để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong 3 tháng tôi nghĩ cũng là đủ”./.