Chiều 15/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: Vai trò vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam, việc tổ chức cơ quan nhà nước ở địa phương; vấn đề thành lập cơ quan bảo vệ hiến pháp và quyền con người, quyền công dân trong dự thảo hiến pháp và những nội dung khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với 126 điều, 11 chương đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 6/11/2012.
Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được ghi nhận trong Hiến pháp, các đại biểu Doãn Thế Cường, đoàn Hưng Yên; Ya Đúc, đoàn Lâm Đồng đề nghị: Hiến pháp cần tiếp tục khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đại biểu Phạm Đức Châu, đoàn Quảng Trị cho rằng, Hiến pháp cần bổ sung quy định, nghiêm trị những hành vi tuyên truyền, chống lại vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, coi đó như hành động chống lại nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thanh Nam đoàn Cà Mau đề nghị, cần ghi rõ tại điều 4 của Hiến pháp “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội”.
Về vị trí của Hội đồng Nhân dân trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đại biểu Huỳnh Nghĩa, đoàn Đà Nẵng đề nghị cần xác định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Nhân dân quận, huyện, thị xã là cơ quan quyền lực hay cơ quan đại diện nhân dân ở địa phương?.
Đại biểu Phạm Đức Tiến, đoàn Hà Nam cho rằng, nếu diễn đạt “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương” thì có thể dẫn đến cách hiểu quyền lực nhà nước bị phân tán thành quyền lực ở Trung ương và quyền lực ở địa phương.
Cũng về nội dung này, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh, đoàn Phú Thọ phân tích: Dự thảo còn 4 hạn chế, chưa thể hiện đầy đủ kết luận của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về Hiến pháp, đó là quyền lực của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp trong điều 15 đã chưa thể hiện vai trò của Quốc hội duy nhất là lập hiến và lập pháp; chưa thể hiện quyền của Quốc hội đối với những vấn đề quan trọng nhất của đất nước; việc thực hiện dân chủ đại diện của nhân dân qua cơ quan nhà nước khác và cả hệ thống chính trị, nhưng điều 6 của dự thảo đã không thể hiện điều này, nghĩa là chưa bao quát được quyền đại diện của của nhân dân.
Các đại biểu Phạm Đức Châu, đoàn Quảng Trị; Huỳnh Nghĩa đoàn Đà Nẵng đề nghị: Cần làm rõ hơn khái niệm “quyền lực” và “quyền lực nhà nước”, bởi khái niệm “quyền lực” đã bao hàm cả “quyền lực nhà nước”; Bản chất nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Do đó quy định “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” sẽ bao quát và đầy đủ hơn.
Về quy định quyền con người và quyền công dân, đại biểu Phạm Đức Châu, đoàn Quảng Trị nói: “Khi quyền con người được nhà nước ghi nhận mới được bảo đảm đến cùng; đã là quyền công dân thì có quy định trong văn bản pháp luật; rõ ràng về chế độ pháp lý quyền con người khác quyền công dân, theo tôi chỉ đạt chế độ pháp lý quyền con người, quyền công dân như nhau là chưa phân biệt chế độ pháp lý. Khi quy định trong luật khó cụ thể hóa. Mặt khác, chương 2 không quy định rõ đâu là quyền con người, đâu là quyền công dân. Nhà nước ta có bảo đảm được hay không khi con người sống tại Việt Nam có đảm bảo được hay không”.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với nội dung thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp. Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa đoàn Đà Nẵng, Đặng Đình Luyến, đoàn Khánh Hòa, cần thành lập Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng Bảo hiến. Cơ quan này bao gồm những cán bộ có chuyên môn cao, đạo đức trong sáng, trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; làm việc tận tâm, hết lòng, hết sức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và nhân dân. Thể chế hóa đường lối của Đảng về chế độ kinh tế ở nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo ý kiến các đại biểu, dự thảo cần làm rõ hơn quy định tại khoản 1 điều 55 nhằm đảm bảo yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường theo hướng bền vững, với nhiều hình thức sở hữu. Trong đó, vai trò kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước phát triển theo hướng ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của kinh tế quốc dân, nhưng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa làm rõ vai trò kinh tế tập thể như thế nào để có thể cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc.
Cũng trong phiên thảo luận chiều nay, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận về các nội dung: phân công quyền lực nhà nước trong lập pháp, hành pháp, tư pháp; thẩm quyền của Chủ tịch nước; Vị trí của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội cũng như Kiểm toán nhà nước.../.