Chiều 13/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp thân mật ông Samir Amin người Ai Cập và ông Francois Houtart người Bỉ. Đây là 2 nhà lý luận Marxism, học giả, đã từng thăm Việt Nam nhiều lần trước đây và lần này 2 ông tới Việt Nam tham dự hội thảo quốc tế “Các phương án tự chủ của các nước phương Nam trong thế giới toàn cầu hóa” được tổ chức Hà Nội. 

sang_mnqq.jpgChủ tịch nước Trương Tấn Sang. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Tại buổi tiếp, ông Samir Amin bày tỏ vui mừng được đến thăm Việt Nam và nhận thấy những đổi mới ấn tượng của Việt Nam. Thông báo với Chủ tịch nước về mục đích chuyến thăm và dự Hội nghị hội thảo quốc tế “Các phương án tự chủ của các nước phương Nam trong thế giới toàn cầu hóa”.

Ông Samir Amin cho rằng tại các cuộc hội thảo, các học giả đã tập trung thảo luận về việc tự chủ đi lên của các nước phương Nam; tác động của trật tự kinh tế thế giới và toàn cầu hóa đối với sự phát triển và chủ quyền kinh tế của các nước phương Nam...

Với tư cách là những người đồng chí, các học giả đã chia sẻ những bài học thực tế về phát triển của các nước phương Nam-kinh nghiệm ở các khu vực đặc biệt là Mỹ Latinh và ASEAN, phong trào không liên kết....đồng thời chia sẻ với đường hướng phát triển của Việt Nam trong quá trình hội nhập phát triển.

Nhiệt liệt hoan nghênh và chúc chuyến thăm và làm việc của 2 học giả tới Việt Nam lần này thành công tốt đẹp, Chủ tịch nước đã trao đổi cởi mở với các học giả về xu hướng hợp tác phát triển, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Chủ tịch nước cho rằng, trong thế giới đầy biến động các quốc gia tự chủ để phát triển đang là xu thế rất quan trọng, vấn đề lợi ích quốc gia được nhiều nước đặt lên hàng đầu. Các nước dù cùng ý thức hệ cũng có con đường phát triển và tồn tại khác nhau, nhưng các nước cũng có xu hướng hợp tác thành các tổ chức, các nhóm nước vì lợi ích chung tương đối.

Nhất trí với vấn đề lý luận cần phù hợp từng nước, từng khu vực, Chủ tịch nước cho rằng cần tiếp tục có sự nghiên cứu trao đổi kỹ lưỡng trong quá trình phát triển trong thời gian tới vì sự phát triển chung của mỗi nước, mỗi khu vực và trên thế giới./.