Ngày 17/3, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương tổ chức phiên họp thứ 25 thảo luận, cho ý kiến về: “Đề án phòng chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư và báo cáo việc xây dựng Kỷ yếu Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương các nhiệm kỳ từ năm 2002-2016”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

tu_phap_1_fzsc.jpg
Phiên họp thứ 25 Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương

Theo báo cáo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, từ năm 2009 đến tháng 9/2015, Liên đoàn đã nhận được hơn 400 trường hợp khiếu nại, tố cáo đối với luật sư. Trong đó chủ yếu là khiếu nại, tố cáo liên quan đến vi phạm đạo đức trong hành nghề luật sư. Các đoàn luật sư trong cả nước đã xử lý 100 trường hợp, trong đó kỷ luật bằng hình thức xóa tên 35 luật sư (chủ yếu vi phạm hành nghề luật sư).

Về sự cần thiết của Đề án, các đại biểu cho rằng, đề án được xây dựng công phu, tâm huyết và có bố cục chặt chẽ. Nội dung của Đề án được xây dựng trên các căn cứ khoa học và thực tiễn. Các giải pháp đưa ra đã nêu một cách đồng bộ, toàn diện và có cơ sở thực tiễn cao. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng nội dung của đề án còn tản mạn, chưa đảm bảo tính toàn diện.

Đề án được xây dựng chưa bám sát các quan điểm, định hướng về vị trí, vai trò và yêu cầu đối với luật sư trong cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Kinh nghiệm quốc tế về phòng chống tiêu cực trong hành nghề luật sư có ý nghĩa tham khảo rất quan trọng khi xây dựng Đề án nhưng chưa được đề cập.

Các đại biểu cho rằng, nhận diện tiêu cực, đánh giá đúng tính chất, mức độ tác hại của tiêu cực trong hành nghề luật sư và đề ra các giải pháp phòng chống tiêu cực trong hành nghề luật sư một cách hiệu quả là chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn luật sư nhằm xây dựng và không ngừng phát triển đội ngũ luật sư về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp.

Để đưa ra được các giải pháp đồng bộ, cần làm rõ các nguyên nhân phát sinh tiêu cực như: nghề luật sư luôn có mối quan hệ chặt chẽ đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, là điều kiện phát sinh tiêu cực; hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động tố tụng còn một số bất cập, là môi trường, điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng; sự bất bình đẳng về địa vị pháp lý trong tố tụng cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư; pháp luật về hành chính rườm rà, bất hợp lý, thiếu minh bạch là môi trường phát sinh tiêu cực…

Vì vậy, theo các đại biểu, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và các tổ chức Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư. Trong đó cần sửa đổi, bổ sung Chỉ thị 33/2009 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác luật sư và đẩy mạnh hoạt động giám sát phát hiện, phòng ngừa vi phạm của luật sư và công khai, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong hoạt động hành nghề của luật sư.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu kết luận phiên họp

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao công tác chuẩn bị Đề án của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình. Theo Chủ tịch nước, Đề án được chuẩn bị công phu, trong đó đề án nhận diện được 9 nhóm hành vi tiêu cực trong hành nghề luật sư; 9 loại nguyên nhân của tình trạng tiêu cực trong hành nghề luật sư và đã đề ra được 9 nhóm giải pháp phòng chống tiêu cực trong hành nghề luật sư và lộ trình thực hiện các các giải pháp.

Chủ tịch nước cho rằng, hoạt động hành nghề luật sư và các hoạt động tư pháp đều có chung mục tiêu là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Vì vậy, đây là một nghề rất cao quý. Chủ tịch nước hoan nghênh và đánh giá cao năm vừa qua trong một số vụ án trọng điểm của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương có một số vụ có đóng góp của đội ngũ luật sư trong việc phát hiện bỏ lọt tội phạm.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao ban soạn thảo đã nói thẳng nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng cần chú trọng nêu và phân tích các nguyên nhân chủ quan của luật sư và tổ chức của luật sư vì hành vi tiêu cực là hành vi có ý thức, có mục đích của luật sư, những người có hiểu biết pháp luật.

Về phạm vi xây dựng Đề án, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị cơ quan soạn thảo cần xác định rõ phạm vi việc phòng, chống các hành vi tiêu cực do vụ lợi và không vụ lợi. Đồng thời phải nghiên cứu, dự báo tình hình tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư; phân tích các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động hành nghề luật sư nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp, dễ bị lợi dụng, tạo kẽ hở để các hành vi tiêu cực phát sinh. Về nhiệm vụ và giải pháp trong công tác phòng chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sự phải quán triệt các quan điểm, định hướng của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu: “Phải nhóm vấn đề lại cho dễ nhớ trong đó nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng. Bởi đã có rất nhiều Nghị quyết như 08, 09, 49, 93…và Quốc hội đã ra Nghị quyết riêng về tư pháp, hàng năm qua kiểm tra còn có nghị quyết. Nhưng tổ chức đảng trong lòng các đảng đoàn ở các đoàn luật sư của ta còn yếu vì vậy thiếu gì thì ta bổ sung. Thứ hai là vai trò của nhà nước, nếu luật pháp chưa đủ thì bổ sung và nếu thiếu thì ban hành. Cùng cần xem lại việc tổ chức, quản lý đội ngũ luật sư cần gì để tiếp tục làm”.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, để ngăn chặn, đẩy lùi việc tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư, cần phải xem xét, đánh giá toàn diện thực trạng tiêu cực và phòng, chống tiêu cực trong thời gian qua, từ đó xác định giải pháp thiết thực, hiệu quả để phòng ngừa tiêu cực, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong thời gian tới.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu cũng thảo luận và cho ý kiến về việc xây dựng Kỷ yếu Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương các nhiệm kỳ từ 2002-2016../.