Hôm nay (13/10), Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức phiên họp thứ 23, thảo luận và cho ý kiến về Đề án thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Đảng ủy Công an Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp. Chủ trì phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đề nghị, các đề án cần bám sát yêu cầu của văn kiện Đại hội 11 của Đảng và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị để xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, công bằng và bảo vệ quyền con người.

Tại phiên họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng xung quanh mục tiêu, giải pháp nhằm thực hiện phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Đảng ủy Công an TW và Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, khẳng định: Các đề án được xây dựng công phu, nghiêm túc trên cơ sở nghiên cứu lý luận thực tiễn trong công tác phòng chống tiêu cực trong các lĩnh vực hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp; có sự tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý và tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài. Đồng thời đề nghị bổ sung cơ sở pháp lý dựa trên Hiến pháp năm 2013, các văn bản pháp luật về tố tụng hình sự, tổ chức điều tra hình sự và thi hành án hình sự…
ong_sang_huiy.jpg
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương và đánh giá cao việc xây dựng Đề án thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của hai Bộ Công an và Tư pháp. Chủ tịch nước cho rằng, các đề án đã được chuẩn bị công phu, cơ bản đã xác định đúng hành vi, thực trạng tình hình tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp. Đồng thời đánh giá được thực trạng  tham nhũng, tiêu cực và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng công an và phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp do Bộ Tư pháp quản lý. Từ đó đưa ra được phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp.

Chủ tịch nước cũng đánh giá cao các ý kiến đóng góp và đề nghị, trong mục tiêu của các đề án cần bám sát yêu cầu của văn kiện Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị để xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, công bằng và bảo vệ quyền con người.

Theo Chủ tịch nước, đây chính là mục tiêu và tôn chỉ để xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh. Nội dung của các đề án đưa ra đã đạt yêu cầu nhưng phải mô tả đầy đủ thực trạng trong từng lĩnh vực, từng ngành để đưa ra giải pháp có tính đột phá.  

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, việc tổ chức thực hiện các Đề án sẽ góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Trong đó, việc phân công, phân nhiệm phải rõ ràng, nhất trong việc rà soát lại hệ thống quy chế trong nội bộ và quy chế phối hợp giữa các ngành, các tổ chức và các địa phương có liên quan. Đồng thời phải tăng cường kiểm tra, giám sát chéo lẫn nhau để giảm bớt tiêu cực và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan được phân công. Sau hội nghị này, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan trình Đề án hoàn thiện văn bản. Trên cơ sở đó, hàng năm có tổng kết, đánh giá về kết quả của đề án ./.