Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) từ giây phút phát chương trình đầu tiên đến nay là chặng đường lịch sử dài lâu đồng hành cùng dân tộc. Đài Phát thanh Quốc gia cất tiếng nói chào đời, đánh dấu sự ra đời của loại hình báo Nói ở Việt Nam, đã nhận lãnh sứ mạng cao đẹp là cơ quan báo chí đầu tiên truyền đi rộng khắp những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Đó là truyền đi lời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2/9/1945, khởi lệnh Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945), ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6/1/1946), chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ (7/5/1954), Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975)
Trong những mốc son lịch sử được Đài TNVN truyền đi, sự kiện 19/12/1946 là khó khăn nhất, nên giá trị thành công là to lớn.
Đài Tiếng nói Việt Nam cùng dân tộc đi vào cuộc kháng chiến thần thánh (Ảnh tư liệu) |
Trước vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc, Hồ Chủ tịch và Chính phủ non trẻ tìm mọi cách thương lượng hòa bình. Người trực tiếp sử dụng Đài Phát thanh Quốc gia như một công cụ đấu tranh ngoại giao sắc bén, linh hoạt, mềm dẻo với kẻ thù, và giải thích rõ ràng chủ trương, công việc của Chính phủ cũng như cá nhân Chủ tịch bảo vệ nền độc lập dân tộc mới giành được.
Trong thời gian này, Người nhiều lần mời cán bộ lãnh đạo Đài đến làm việc, nhắc nhở cách thông tin, tuyên truyền sao cho đúng theo phương châm “lạt mềm buộc chặt”. Những tin bài quan trọng được Bác xem trước, cho ý kiến. Bác dặn: kẻ thù càng hung hăng, ta càng bình tĩnh, kéo dài thời gian hòa bình.
Thế nhưng, ta càng thiện chí, càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới. Không khí chiến tranh ở Hà Nội căng phồng như kho thuốc súng. Trưa 18/12, Pháp gửi tối hậu thư đòi chiếm Sở Tài chính. Chiều tối, Pháp lại gửi tối hậu thư đòi làm nhiệm vụ trị an ở thủ đô Hà Nội và đe dọa đến sáng 20/12, những điều trong tối hậu thư không thực hiện thì “quân Pháp sẽ hành động”. Sáng 19/12, Pháp tiếp tục gửi tối hậu thư dồn ép, ngang ngược đòi tước vũ khí của tự vệ, đòi đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến. Đây là những thời khắc mà sức chịu đựng của Chính phủ và nhân dân ta vượt quá giới hạn. Còn nước còn tát, Hồ Chủ tịch đề nghị nhà cầm quyền Pháp tại Hà Nội thương lượng để cải thiện tình hình, nhưng đối phương khước từ. Trưa 19/12, Thường vụ Trung ương Đảng họp ở Vạn Phúc, Hà Đông ra chỉ thị “Tất cả hãy sẵn sàng”.
Chiều 19/12, Bộ trưởng Quốc phòng, kiêm Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam lệnh cho toàn thể lực lượng vũ trang. Nội dung bản mật lệnh như sau: “Chuyến hàng sẽ đến lúc 18 giờ ngày 21/12. Hàng mang mã hiệu A + 2, B – 2. Chú ý theo dõi đón hàng đúng giờ”. Quy ước “chuyến hàng sẽ đến” có nghĩa là Tổng tiến công bắt đầu. A là giờ cộng thêm 2. B là ngày trừ đi 2. Tức là cuộc Tổng tiến công bắt đầu từ 20 giờ ngày 19/12/1946.
Để bảo đảm khắp nơi nhận được mệnh lệnh này cùng lúc, cùng hành động, Tổng chỉ huy quy ước: Khi Đài TNVN phát đi câu “Đồng bào chú ý. Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu” thì đó là hiệu lệnh Tiến công.
Bảo vệ Khu Điện đài Bạch Mai lúc này là Đội tự vệ gồm 11 người. Tối 19/12, thành phố lên đèn, Đội Tự vệ nhận được công văn hỏa tốc: “Ủy ban Kháng chiến ra lệnh phá Đài trước khi rút lui”. 20 giờ, điện thành phố vụt tắt. Đại bác ở pháo đài Láng nổ rền. Điện từ máy nổ vẫn bảo đảm cho buổi phát thanh đặc biệt của Đài Quốc gia. Bà Dương Thị Ngân đọc dõng dạc, mạch lạc: “Đồng bào chú ý. Đồng bào chú ý. Tiếng súng đại bác đã nổ ở Hà Nội. Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu. Sau đây là mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Quốc phòng.
Tổ Quốc lâm nguy. Giờ chiến đấu đã đến.
Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Tổng chỉ huy, tôi hạ lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc quân và Dân quân tự vệ Trung – Nam – Bắc phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận, giết giặc cứu nước.
Buổi phát thanh phải ngừng ở đây. Xin đồng bào đón nghe sáng mai, như thường lệ”.
Tiếng còi lệnh Tự vệ vang lên. Một tiếng nổ vang dội. Ngọn lửa bốc lên cao. Khu nhà chính điện đài Bạch Mai đặt máy phát sóng nổ tung. Lửa cháy rần rật, bừng sáng một góc trời Hà Nội. Bà Dương Thị Ngân cùng nhóm công tác đặc biệt của Đài TNVN nhanh chóng rời Hà Nội, vượt vòng vây quân địch, lên Chùa Trầm, địa điểm sơ tán đầu tiên của Đài Phát thanh Quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Nhất và bà Dương Thị Ngân (Ảnh tư liệu) |
Trong một bức thư của Nhạc sỹ, Nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tổng Thư ký Hội Văn hóa Cứu quốc gửi cho Nhạc sỹ Văn Cao, là Ủy viên chấp hành Hội, có đoạn viết: “Mình vừa rời khỏi Hà Nội lửa đỏ ngập trời, vào đến Hà Đông gặp đồng chí Trường Chinh. Anh trao cho mình Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, để trao lại ngay cho Ủy ban Kháng chiến. Sáng hôm sau Lời kêu gọi ấy đã vang lên trong lòng Hà Nội đang chiến đấu Văn ạ. Mình muốn viết một cái gì đó cho Hà Nội. Hà Nội đang vùng lên giữ từng mái nhà, từng tấc đất” (Bích Thuận - Nhạc sỹ Văn Cao – Tài năng và nhân cách – NXB Thanh niên – 2005)./.
Ký ức về mùa đông Hà Nội năm 1946