Phim “Thành phố khác” (Another City) của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân vừa được công bố là một trong 25 tác phẩm tranh giải ở hạng mục Berlinale Shorts (Phim ngắn) tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 66 (Berlin Film Festival), là một trong ba Liên hoan điện ảnh lâu đời cùng Cannes và Venice. Khi nhìn lại, các tài năng trẻ phim Việt có được thành công ở đấu trường quốc tế danh tiếng đều đơn độc trong hành trình đi tìm chiến thắng.
Gần như một công thức mặc định, các phim Việt Nam gây được tiếng vang ở đấu trường quốc tế trong những Liên hoan phim (LHP) danh giá, uy tín đều của các đạo diễn trẻ và là những nhà làm phim độc lập, được tài trợ, hỗ trợ của các quỹ phát triển điện ảnh, quỹ phát triển văn hóa…của nước ngoài.
Phải chăng, chính đây là một nghịch lý của điện ảnh Việt Nam (ĐAVN), khi Nhà nước chỉ ưu tiên cho những người làm phim Nhà nước, và bỏ rơi (hay bỏ sang một bên) những nhà làm phim trẻ độc lập? Và những nhà làm phim trẻ độc lập khi muốn thỏa nỗi đam mê của mình, khi muốn khẳng định mình, khi muốn mang tác phẩm của mình vươn tầm thế giới để tìm cách “định vị” ĐAVN trên bản đồ điện ảnh quốc tế, đều phải đơn độc trong hành trình đến chiến thắng bằng cách tìm các nhà tài trợ “ngoại”, không trông mong gì sự hỗ trợ của Nhà nước.
Không có tài trợ“ngoại” phim bất thành công.
Trong 5 năm trở lại đây, ĐAVN đã không còn xa lạ với những nhà làm phim độc lập, nhất là các nhà làm phim trẻ. Họ gần như bắt đầu từ đam mê điện ảnh để rồi từ nhiều nguồn khác nhau, cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp đến với những dự án phim ngắn hay phim truyện dài…
Chính họ đã thổi hồn cho ĐAVN không chỉ màu sắc đa dạng, không khí náo nhiệt, mà còn là chất lượng cao, “mang chuông đi đánh xứ người” đều rung ngân tiếng vang, mang lại niềm tự hào cho ĐAVN.
Những phim truyện dài như “Bi! Đừng sợ”, “Đập cánh giữa không trung”, “Cha, con và….”, phim ngắn như : “Tôi 30”, “Đóng vào, Mở ra”, “Thành phố khác”...đã lọt vào những LHP quốc tế danh giá như Cannes, Venice, Berlin… mà không có một phim Nhà nước nào chạm đến cho tới hiện tại. Nhưng, tất cả các phim này đều có một điểm chung, đều được (hay giành được một cách khó khăn) những khoản tiền tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, các quỹ phát triển điện ảnh, văn hóa của nước ngoài để thực hiện dự án phim.
Có phim phải ròng rã 3-4 năm tìm các nguồn tài trợ khác nhau để hoàn thành dự án. Có phim, vừa làm vừa tìm nguồn tài trợ từ khi là dự án trên giấy đến phần hậu kỳ và cả việc hỗ trợ để phim phát hành.
Một cảnh trong phim “Bi, đừng sợ!” |
Dự án “Bi, đừng sợ!”của Phan Đăng Di phải vượt qua hơn 200 dự án khác từ khắp nơi trên thế giới để vào danh sách 35 dự án của LHP Busan năm 2007, và nhận được tài trợ 10.000USD. Sau đó “Bi, đừng sợ!”phải cạnh tranh với 103 dự án khác để nhận được 50.000 Euro của quỹ World Cinema Fund của LHP Berlin, và cuối cùng là đến L’Artelier của LHP Cannes 2008 nhận thêm 10.000USD từ quỹ Fond Sud của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Pháp....
Dự án được quay thành phim và ra mắt lần đầu tiên tại LHP Cannes 2010. “Bi, đừng sợ!” đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế danh giá mà có lẽ bất kỳ đạo diễn Việt Nam nào cũng mơ ước: Giải thưởng của các nhà phê bình tại LHP Cannes 2010, giải thưởng Special Mention tại LHP Vancouver 2010, giải thưởng Tài năng mới tại LHP Hồng Kông 2010, giải thưởng Bộ phim đầu tay xuất sắc nhất và giải thưởng Quay phim xuất sắc nhất tại LHP Stockholm (Thụy Điển) 2010…
Đến phim “Cha, con và...”, do đã có “uy tín” ở“Bi! Đừng sợ!”nên có được khoản tài trợ đầu tiên 150 triệu đồng từ Quỹ Paris Project tại Đại hội tài chính cho điện ảnh (HAF) trong khuôn khổ LHP Hồng Kông 2011. Sau đó, trong khi khởi động dự án từ đầu năm 2011 được quỹ World Cinema Fund của LHP Berlin hỗ trợ 40.000 Euro, phim còn nhận thêm sự tài trợ của quỹ Hubert Bals Fund - LHP quốc tế Rotterdam (Hà Lan) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển văn hóa Việt Nam (A&C), ngoài ra còn có sự hợp tác sản xuất từ 4 hãng phim đến từ Việt Nam, Đức, Pháp, Hà Lan.
Phim được bấm máy kể từ cuối năm 2013 và hoàn tất những khâu cuối cùng vào tháng 1/2014 và được lọt vào danh sách chính thức tranh giải Gấu Vàng của LHP Berlin 2015, trở thành phim ĐAVN đầu tiên xuất hiện tại một trong ba LHP lớn nhất thế giới.
“Đập cánh giữa không trung” của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp cũng vất vả hành trình tìm (hay giành) tiền tài trợ của nước ngoài. Tháng 11/2012 “Đập cánh giữa không trung” đã đánh bại 95 dự án của 37 quốc gia, giành được tài trợ nhiều nhất so với 3 dự án khác (cũng đoạt được tài trợ) là 50.000 Euro của quỹ World Cinema Fund của LHP quốc tế Berlin (Đức).
Trước đó, tháng 5/2012, “Đập cánh giữa không trung” đã tới LHP Cannes để giới thiệu dự án trong chương trình “Xưởng phim Thế giới”tại Le Pavillon des Cinémas du Monde...Trong vòng một năm, dự án đã xin được tiền tài trợ từ hầu hết các quỹ của nước ngoài, trong đó có 4 quỹ điện ảnh lớn trên thế giới: World Cinema Fund (LHP Berlinale - Đức), World Cinema Support (Pháp), Sorfond Fund (Na Uy) - Quỹ điện ảnh lớn nhất Bắc Âu, Francophone de production audiovisuelle du Sud (Pháp), chưa kể khi dự án phim bắt đầu ý tưởng từ năm 2008, đã được giới thiệu lần đầu trong một lớp học sản xuất phim do Quỹ Ford- Mỹ lúc đó tài trợ.
Và ngày 5/9/2014, tại “Tuần phê bình phim quốc tế Venice 2014”, phim vinh dự nhận giải Phim hay nhất từ Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải FEDEORA- Federation of Film Critics of Europe and the Mediterranean.
Phim ngắn cũng không ngoại lệ, nếu không có sự tài trợ của nước ngoài thì dự án không thể thực hiện được, nói gì đến việc mang đi tham gia các cuộc LHP quốc tế danh tiếng. Nữ đạo diễn trẻ Hoàng Trần Minh Đức đã tạo “sóng” khi phim ngắn “Tôi 30” được lựa chọn tham gia Góc phim ngắn (Short Film Corner) của LHP Cannes 2014. Phim được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa trường ĐH SKĐA TPHCM và Trường Hình ảnh- Âm thanh Angoulême.
Đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung đã gặt hái thành công với những bộ phim Cá chuối (giải phim Đông Nam Á xuất sắc nhất cuộc thi phim ngắn Chatomuk - Campuchia 2013 và nhiều giải khác), Trực nhật với Thư Kỳ (giải Trái tim hồng YxineFF 2012), Đóng vào, Mở ra... (giải Golden Award - LHP ngắn quốc tế REC Berlin, Đức 2014)..., đã có hai phim ngắn được VTV6 giới thiệu tại “Phim trẻ” và một dự án phim giành giải thưởng 3.000USD của khóa đào tạo “Gặp gỡ mùa thu”.
Dự án mới “Cha, cha, cha” trên hành trình tìm tài trợ đã tham gia LHP Busan, gửi đến Quỹ Hỗ trợ văn hóa của Đại sứ quán Đan Mạch, như một cách để nối dài giấc mơ phim độc lập.
Mới nhất và đang gây “sốt” với giới làm phim trẻ độc lập Việt Nam là khi “Thành phố khác” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân lọt vào 25 tác phẩm tranh giải ở hạng mục Berlinale Shorts (Phim ngắn) tại LHP Berlin lần thứ 66 từ 11-22/2/2016. Cũng như các phim ngắn lọt vào “mắt xanh” các LHP quốc tế danh giá, phim cũng đã nhận được 6.000 USD tài trợ từ Quỹ Trao đổi và Phát triển văn hóa Đan Mạch - Việt Nam. Trước khi tranh giải Gấu vàng cho phim ngắn 2016, dự án “Thành phố khác”đãtham dự Berlinale Talents Campus hồi tháng 2/2015 .
Cũng nói thêm, ngay cả phim “Chơi vơi” của Bùi Thạc Chuyên (Hãng phim truyện 1) cũng nhận được tài trợ 130.000 euro từ Quỹ Hubert Bals của LHP Rotterdam (Hà Lan) và Quỹ Fonds Sud (Pháp), và sau đó thắng giải của Hiệp hội Phê bình Điện ảnh Quốc tế (Fipresci Prize) tại LHP Venice 2009.
Quỹ hỗ trợ điện ảnh chỉ có trong Luật và dự thảo chiến lược
Thực ra trong luật Điện ảnh năm 2007 đã quy định về việc có Quỹ hỗ trợ điện ảnh. “Quỹ này nhằm phát triển các tài năng, hỗ trợ kinh phí cho dòng phim tác giả, nghệ thuật, hay có xu hướng thể nghiệm mới…”. Dự kiến kinh phí hoạt động 50 tỷ đồng, Quỹ sẽ dành sự hỗ trợ thiết thực cho phim độc lập, phim tác giả, phim nghệ thuật, một trung tâm hỗ trợ phát triển phim độc lập, phim nghệ thuật sẽ được mở ra trong tương lai gần.
Nhưng sau 2 năm đề án thành lập quỹ hoàn thành, thì mọi thứ vẫn…im lìm trên giấy. Theo lãnh đạo Cục Điện ảnh thì việc thực hiện chưa được là do chưa có nguồn quỹ. Ý kiến ban đầu là nên trích khoảng 3% giá tiền của mỗi chiếc vé xem phim ở các rạp chiếu đưa vào quỹ. Nhưng việc này lại liên quan đến các quy tắc tài chính về thuế và không thể áp đặt các rạp chiếu(mà phần lớn đều của tư nhân và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp).
Ở một mặt nào đó, rõ ràng những người có trách nhiệm với nền ĐAVN chưa xem trọng những nhà làm phim độc lập, chưa cho dòng phim của họ một vị trí trong nền ĐAVN. Ở LHPVN hay giải nghề nghiệp Cánh diều, dòng phim của những nhà làm phim trẻ độc lập thường bị ra rìa hay không được góp mặt.
Vẫn bị xem như chỉ là cuộc vui chơi của người trẻ không có giá trị. Có khi còn bị cho là “ngoài luồng”, như một dòng phim underground luôn bị săm soi kỹ lưỡng, thậm chí còn bị kiểm duyệt gắt gao, hay bị phạt nếu tự ý mang đi chinh chiến đấu trường quốc tế. Hài hước nhất là nếu phim của các nhà làm phim trẻ độc lập có mặt hay chiến thắng ở các LHP quốc tế danh giá, uy tín, thì luôn được xem là thành tích của ĐAVN.
Bởi lẽ ở Việt Nam, dòng phim này hiện diện và phát triển theo kiểu tự sinh, tự dưỡng, tự tồn tại... một cách tự phát, không có “bà đỡ” trong tất cả các khâu: Kinh phí, quay phim, quảng bá, phát hành. Và vì muốn “khỏe mạnh”, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, thì thường phải “hướng ngoại”. Nhưng, các nguồn hỗ trợ cho phim vốn đã ít lại còn không ổn định, việc “giành” được cũng là một cuộc đua có tính toàn cầu, không chỉ riêng các nhà làm phim trẻ Việt Nam. Do vậy những chương trình như “Phim trẻ” của VTV6 giảm từ mỗi tuần một số xuống còn hai tuần một số vì lý do ưu tiên cho các chương trình “câu” được nhiều quảng cáo.
Cũng vì quá khó khăn tổng thể, nên phim của những nhà làm phim trẻ độc lập chỉ dám làm phim ngắn để giải tỏa cơn khát, thỏa mãn đam mê phim, rất ít tác phẩm dài hơi, mà thường dài cả thời gian thực hiện dự án vì phải lo xin tiền, kiếm tiền, giành tiền..!
Nếu dựa trên những con số hùng hậu các đạo diễn góp mặt trong tiệc phim ngắn toàn cầu YxineFF hay các workshop của trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh TPD, HANOI DOCLAP, các Workshop sản xuất phim độc lập “Gặp gỡ mùa thu” và “Hà Nội mùa xuân”, chương trình “Phim trẻ” của VTV6, các cuộc thi làm phim “tốc hành”... thì thấy phim độc lập đang mê hoặc thu hút mạnh mẽ các nhà làm phim trẻ tài năng, bao gồm: Đạo diễn, quay phim, kịch bản...
Và trên hành trình đi đến chiến thắng, mang vinh quang không chỉ cho cá nhân mà còn cho nền ĐAVN, các tài năng trẻ vẫn cứ phải đơn độc. Còn nếu có muốn“dựa dẫm” thì yếu tố “ngoại” là ưu tiên hàng đầu, cho dù phải dấn thân vào cuộc đua cam go, khốc liệt, không nhiều cơ hội, nhưng khi đã có thì đó như là một cánh cửa mở đến tương lai.
Bao giờ thì các tài năng trẻ của ĐAVN có được sự hỗ trợ của Nhà nước để có nhiều cơ hội sáng tạo nghệ thuật, thực hiện những tác phẩm điện ảnh chất lượng cao mà không còn phải chật vật bôn ba khắp các châu lục để kiếm tiền tài trợ? Để khi phim Việt có mặt ở các LHP quốc tế hạng A sẽ thật sự là chiến thắng, là niềm tự hào Việt Nam./.