Dịp Quốc Khánh năm nay, tôi có may mắn được một nhóm bạn bè cho nhập hội đi viếng các nghĩa trang liệt sĩ trên đất Quảng Trị và thắp hương tại nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ. Nhóm này bộ đội có, công an có, doanh nhân có... người đã nghỉ hưu, người đang đương chức, có những người sinh sau năm 1975. Năm nào vào dịp này mọi người cùng hẹn nhau đi. Sau khi hoà cùng dòng người thắp hương nơi phần mộ Đại tướng, chúng tôi vào Quảng Trị.
Vào dịp 27/7 vừa qua, trên VOV.VN tôi có được đọc tâm sự của một cô gái người Quảng Trị có người cha là một cựu chiến binh, cô Nguyễn Thị Mỹ Phương.
Nhân dân đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa (Quảng Bình). |
Mỹ Phương viết: "Quê tôi không có nhiều cảnh đẹp như những vùng đất khác, nhưng lại có những nét đẹp riêng mà mỗi khi nói về quê mình tôi không khỏi xúc động”. Vâng, xúc động lắm chứ trước những nấm mộ liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường 9 và Thành cổ Quảng Trị…
Đoàn chúng tôi không ai có người thân là liệt sĩ nằm lại ở Quảng Trị. Nhưng tất cả chúng tôi đều rưng rưng nước mắt khi đến thắp hương tưởng nhớ những liệt sĩ nằm xuống trên mảnh đất này. Riêng tôi, có không ít bạn bè cùng là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, cũng như tôi, nhận được giấy báo nhập ngũ vào mùa hè năm 1971.
Chúng tôi nhận tờ giấy gọi nhập ngũ nhẹ như không vì ai cũng hiểu "Tổ quốc gọi tên mình”. Như Nguyễn văn Thạc, Phạm Hải Triều, Đoàn Văn Phúc, Phạm Hùng Việt, Nguyễn Thế Tường… thuộc K14. Còn K 15 có Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Sinh Xô…riêng lớp ngôn ngữ K 15 chỉ còn lại một nam sinh viên con liệt sĩ… Những sinh viên- liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Quảng Trị năm 1972 còn có sinh viên Đại học Bách Khoa, Đại học Xây dựng…
Rất đông người dân đến thắp hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị. |
Trên các nghĩa trang liệt sĩ, những vòng hoa còn tươi, những khói hương nghi ngút. Ngược đường 9 từ Đông Hà đi lên, nghe văng vẳng đâu đây những câu thơ vang động một thời: "Xe lên đường 9 cheo leo/Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau/ Cây khô chết chẳng nghiêng đầu/Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh/ Trưa nồng, gà gáy Khe Sanh/ Tà Cơn dứa mật, hoa chanh ngát đồi”(thơ Tố Hữu).
Nhiều cụ tuổi đã cao vẫn cố gắng về thắp hương cho những người thân, đồng đội... của mình. |
Ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tình cờ chúng tôi gặp hai phụ nữ, đi trên chiếc ô tô nhỏ biển số 88H-4089. Một người đang là giáo viên tiếng Anh ở Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng, một người đương là một doanh nhân ở Hà Nội. Thấy hai cô thắp hương phần mộ các liệt sĩ Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Yên, tôi tò mò hỏi mới biết cả hai cũng không có người thân nào nằm ở đây. Nhưng một người quê ở Hải Phòng, một người quê ở Phúc Yên, lại đang sống ở Hà Nội.
Hai cô cho biết cũng vừa thắp hương ở Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị và Đường 9. Chúng tôi cũng không hỏi gì thêm vì nghĩ rằng trong những ngày này, những ai có mặt ở vùng đất này đều mang nặng trong tâm tưởng mình lòng biết ơn sâu sắc đối với các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì non sông đất nước.
Sinh viên Nguyễn Đức Bảo Trung thắp hương phần mộ các liệt sĩ |
Trong một ngày 1/9, hành hương về Quảng Trị, chúng tôi đã gặp nhiều người như vậy. Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Quảng Trị đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp. Đường Hồ Chí Minh qua Quảng Trị đã rút ngắn quãng đường đến với mảnh đất này. Chúng tôi tin rằng sẽ có thêm nhiều đoàn người đến với Quảng Trị, để được tự mình nói với các liệt sĩ đã hy sinh rằng nhân dân không quên các anh, các chị… rằng chúng tôi sẽ làm việc tốt hơn, sống với nhau tốt hơn, để xứng đáng với các anh các chị./.