Gần 20 năm trước, hội "trẻ trâu" sống ở mảnh đất ngoại thành Hà Nội như chúng tôi, nhiều bạn chỉ dám "ước mơ" - chứ không bao giờ nghĩ rằng, mình có cơ hội được khoác trên mình danh vị "sinh viên".

Hai chữ “sinh viên” được yêu mến như một danh vị vì có lý do của nó: Những năm 1996 - 1999, SV96 là một chương trình truyền hình rất được chờ đón. Xem các anh chị sinh viên tự tin, bản lĩnh và phản xạ  nhanh trước các câu hỏi của người dẫn chương trình tài ba Lại Văn Sâm, trong tâm trí của chúng tôi, danh vị "sinh viên" vô cùng đáng ngưỡng mộ.

Mặt khác, nửa sau của những năm 90, ở nhiều vùng ngoại ô Hà Nội, số người đỗ đại học mỗi năm chỉ đến trên đầu ngón tay. Những người đỗ ngay năm đầu tiên thi, họ thường có lực học được đánh giá cao trong lớp.
xet_tuyen_3_qhsn_kuae.jpg
Đừng đẩy thí sinh chọn trường để… học đại

Hàng năm, Hội khuyến học khen thưởng mỗi xã chỉ có khoảng trên dưới 10 người đỗ đại học. Ai được đứng trong danh sách này là được cả xã biết, quý mến lắm, trân trọng lắm. Phải chăng, đã đến lúc, chúng ta nên trả lại "danh vị" cho 2 chữ "sinh viên".

Đại học- canh bạc cuộc đời?

Ở góc độ khác, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chính hiệu quả giáo dục 4 năm đại học trì trệ, cũ kỹ đã làm "mất giá" danh vị đó. Rất nhiều sinh viên - tưởng là lực lượng tinh hoa của xã hội - lại ù lỳ về kỹ năng, chậm chạp trong tư duy, lười nhác làm việc, kém cỏi trong kỷ luật và ảo tưởng về sức mạnh tri thức 4 năm đại học của bản thân.

Trước thực giả vàng thau lẫn lộn trong giáo dục đại học hiện nay, thì trở thành sinh viên không phải là con đường tiến thân quy nhất. Thậm chí là sai lầm với rất nhiều người.

Thực tế cho thấy, hàng chục ngàn cử nhân, thạc sĩ, thậm chí là cả tiến sĩ đều thất nghiệp, vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Tấm bằng phải dấu đi, lý lịch chỉ dám khai học hết PTTH để được nhận vào nhà máy nọ, công trường kia làm công nhân, làm phụ việc...

Có một sự thật là 60 - 80% những người bạn cùng lứa với tôi chẳng hề dùng đến tấm bằng đại học mà trầy trật thi 3-4 năm mới đỗ, hay nói một cách thẳng thắn và chua chát hơn: 12 năm phổ thông + 4 năm ôn thi đại học + 4 năm học đại học = 20 năm chỉ ăn ... tấm bằng chỉ là 1 tờ giấy cất vào tủ cho đẹp.

Đại học chứ không phải… học đại

Cuộc chơi chứng khoán đại học vừa qua cho thấy, bên cạnh những ưu điểm của cuộc thi ghép 2 trong 1, vô hình chung, chính sách đã đẩy thí sinh và gia đình thí sinh vào một cuộc đua “học đại” chứ hoàn toàn mất đi ý nghĩa của Đại học.

Tâm lý của rất nhiều thí sinh rơi vào trạng thái: miễn sao vào được một trường đại học bất kỳ, một ngành bất kỳ tương ứng với số điểm - chứ không phải là chọn ngành, chọn trường phù hợp với khả năng, sở thích vốn có của học trò. Khi không được học ngành mình đã có định hướng, trường mình thích - hiệu ứng ngược rất có thể vô cùng nặng nề: 4 năm đại học là 4 năm trượt dài trong tâm lý chán nản, học đối phó, sống đối phó, phấn đấu cầm chừng...

Chính sách thi 2 trong 1 tưởng như ưu việt, nhưng chính cách thực hiện chưa phù hợp vô tình đã đẩy một thế hệ, xin nhắc lại là đẩy cả một thế hệ vào những lựa chọn có thể là sai lầm suốt cuộc đời họ./.