Nhà tôi trước ở phố, có khung cửa sổ tầng hai căng rộng choán hết mặt tiền. Gió thênh thang. Con phố cổ nhỏ xinh, một phía ngược lên chợ Đồng Xuân, một phía xuôi xuống chợ Hàng Da, ngày xưa bán bát, khi chiến tranh loạn lạc, tản cư, nghề thất truyền. Nhà mái ngói âm dương, sàn gỗ, lạ lắm, mùa đông ấm cúng, mùa hạ mát lành. Cha tôi là người ít nói, ít tranh luận, chỉ lặng lẽ ngồi nghe và sắm đúng vai chủ nhà pha trà, rót nước. Giới văn nghệ sỹ hay ghé thăm cũng vì điều đó chăng?
Cứ mỗi lần có khách quý, tôi lại bỏ cuộc chơi con trẻ ngoài phố về nhà hóng chuyện. Chuyện người lớn nhiều điều không hiểu hết nhưng vẫn thích nghe. Các cụ chữ nghĩa nhiều, nói con kiến cũng phải bò ra.
Phố xưa Hà Nội (Ảnh tư liệu) |
Xuân Diệu khen thơ Khoa xuất thần, trời cho. Ông bảo chả ai học làm thơ cả. Thơ Khoa hay vì không qua trường nào. Lớn lên, mon men làm thơ, tôi cũng nghĩ thế. Thơ có lẽ là thứ khó nhất trong các thể loại văn học. Bà mụ buộc chặt cuống rốn nhà thơ vào bà mẹ thơ ca. Chứ mà học viết văn làm thơ được thì cả nước mình chả ai đi cày, đi bừa vất vả nữa, ngồi chiếu xếp bằng uống rượu đọc thơ sang nhã, tội gì. Nhưng văn chương như con bướm xinh, ngày đẹp trời, nó đậu vào ai, người đó hưởng, còn đám đông hùa nhau xán vào nó, nó bay mất tiêu.
Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có nhiều gương mặt có tiếng trong làng văn hay ghé qua căn gác gió. Mỗi nhà thơ một tính cách, không ai giống ai. Nhà thơ quê xứ Nghệ Nguyễn Bùi Vợi đọc thơ và nói chuyện thơ cũng hay như Xuân Diệu. Ngoài nghề làm thơ, gác mục "Tiếng thơ" của Đài, ông còn chuyên được mời đi nói chuyện thơ ở nhiều nơi. Giọng bình thơ của ông hóm hỉnh, sâu cay, nối thơ vào những suy ngẫm cuộc đời. Đặc biệt, cái chất Nghệ đậm đặc luôn thấm đẫm trong thơ và câu chuyện của nhà thơ. Bài thơ ông hay đọc trên căn gác nhỏ là bài "Uống rượu với đồng hương": "Uống cho đất bằng lại/ Dễ gì ta đã say". Thấm vào chén rượu, câu thơ cái tình của lớp văn sĩ nhà đài ngày ấy.
Nhà thơ Trúc Thông là người luôn hướng về cái mới. Ông sợ lặp lại mình. Ông khắt khe với bạn thơ trẻ, khắt khe với cả chính thơ mình một cách cực đoan. Cuộc trà đàm đạo nào, Trúc Thông cũng chỉ nói chuyện thơ, và hành trình đổi mới để thơ cập bến nhân loại. Với ông, thơ đã vượt lên khỏi sự hạn hẹp của đời sống cơm áo. Mỗi lần phát ngôn ra một ý hay, mái tóc dài phất phơ thi sỹ của ông tung lên theo điệu tâm đắc.
Tập thơ đầu tiên "Chầm chậm tới mình" hé mở tuyên ngôn và những quan niệm thơ của ông. Hồi đó, nhà ông ở phố nhỏ gần đê sông Hồng. Chiều nào cũng thấy mẹ ông đi các nhà lấy nước gạo về nuôi lợn. Kinh tế gia đình trông chờ vào đồng lương công chức của ông và sự tảo tần của mẹ. Sau này, ông kính dâng mẹ một bài thơ hay nhất của đời thơ ông. "Bờ sông vẫn gió" là tài sản chung của cuộc đời. Nó chất chứa những tháng ngày bên mẹ, có ngọn gió sông Châu quê ông và ngọn gió sông Hồng thổi qua ô cầu Long Biên, gần ngôi nhà của ông.
Chung Ban Văn nghệ VOV với Trúc Thông có Lê Đình Cánh. Ông là người đi vững vàng "hai chân": Bút ký và thơ lục bát. Giọng bút ký ùa vào từng trang pơ-luya mỏng thời đó ngập tràn hơi thở đời sống với những chuyến xuôi ngược. Bút ký ông luôn có chất thơ làm nền cho những chi tiết báo chí, tư liệu. Từng dòng lục bát lại thăm thẳm chuyện nhân tình thế thái... Cái giọng xứ Thanh của ông nhiều lúc thật khó nghe nhưng không thể giấu được sự quyết liệt trong suy nghĩ, quan niệm về học thuật, về nghề nghiệp.
Vũ Quần Phương một thời gian làm Ban Văn nghệ, cũng là một cây nói chuyện thơ duyên dáng, bình thơ không thừa không thiếu, luôn đủ ý. Có lẽ xuất thân ngành y nên ông nhìn thơ như nhìn thuốc, bốc đâu ra đó, phán chuẩn như chẩn đoán bệnh. Ông lên chơi thường dẫn theo cậu con trai tuổi Tuất nghịch như quỷ sứ. Người lớn ai cũng lắc đầu lè lưỡi, bản thân nhà thơ cũng nhiều lần ra dấu cho con và lắc đầu ái ngại trước sự ngỗ ngược của cậu quý tử. Hồi đó ít ai nghĩ rằng, cậu lại trở thành một giáo sư toán học nổi danh thế giới như bây giờ: Vũ Hà Văn.
Nhóm mấy cụ nho nhã cộng tác viên thân tín của Ban Văn nghệ nhà Đài: Trần Lê Văn, Vân Long, Ngô Quân Miện... hiền hòa đọc thơ rì rầm, bao giờ cũng kết hợp ngâm vịnh Nôm và các vế đối. Nhà tôi nhiều lần được đón Cụ Đồ Viện Hán Nôm Đỗ Văn Hỷ thâm trầm, chữ nghĩa, nho nhã. Cụ Hỷ có người con trai không theo nghiệp cha mà theo con đường Tây học. Anh là một trong những biên tập viên tiếng Pháp "số zách" của VOV: Đỗ Văn Loan. Cụ Hỷ ít nói, thi thoảng khẽ dịch vài câu chữ Hán. Ở nhà tôi có đôi câu đối cổ:
Thâm viện than thư đồng diệp vũ
Ỷ lan liên cú ngẫu hoa phong
(Nơi viện vắng ngồi đọc sách trong tiết mưa thu rơi trên lá ngô đồng
Đứng dựa lan can ngâm thơ trong gió đưa hương hoa sen)
Những cuộc trà soi bóng thời gian. Còn nhiều người ghé qua căn gác đó. Mỗi người một gương mặt, một tính cách. Giờ căn nhà đó đã có chủ mới.
Theo cha con tôi về nơi phố mới không thể thiếu những câu chuyện bên ấm trà nồng đượm như những đồ đạc của ký ức. Và tôi đã dần lớn lên trong âm hưởng những mối thâm tình./.