Học sinh dẫm thủy tinh, người lớn cưa bom mưu sinh. Sân bóng chuyên nghiệp đạp nhau dúi dụi... Khi lòng “dũng cảm” đang hiện diện khắp nơi, cuốn sách dạy các thiếu nhi về “lòng dũng cảm” e chừng thừa...
1.Gần đây, dư luận phát “sốt” vì một cuốn sách dạy trẻ có nội dung: Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một dễ dàng. Khi đi qua rồi, An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn cũng dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm... đi qua thảm thủy tinh (!).
Cuốn sách hướng dẫn trẻ em đi lên mảnh thủy tinh. |
Câu hỏi thảo luận sách đặt ra: Em đã dũng cảm như thế nào? Em kể về sự dũng cảm của mình cho các bạn cùng nghe.
Tạm tách nội dung trang sách khỏi giáo trình dạy chung của khóa học cũng như những thực hành trên lớp, cộng đồng mạng đã lập tức cảm thấy trang sách trên thật nguy hiểm. Bởi nó dạy con em làm những điều “thần kinh giẫm phải đinh”. Như thường lệ, hành vi trong “cơn sốt” của cộng đồng mạng là đưa ra những lời kêu gọi đình bản, thu hồi sách, xử lý những người liên quan ngay lập tức...
Và cũng lại như thường lệ, “cơn sốt” của cộng đồng mạng được “hạ nhiệt” khi khổ chủ đưa ra hàng loạt hình ảnh lớp học liên quan tới bài học trong sách cùng những lời giải thích. Theo đó, bên cạnh việc đưa ra những thông điệp trên, trung tâm dạy kỹ năng cho trẻ cũng hướng dẫn trẻ đi trên những mảnh thủy tinh đã được mài và tiệt trùng ở trên lớp. Hành động này an toàn và giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi, suy nghĩ tích cực, tự tin trong cuộc sống. Từ thế nhất loạt “ném đá” những người làm sách, cộng đồng mạng quay sang “ném đá” nhau.
Phía ủng hộ cách giáo dục trên cho rằng mình cấp tiến, cởi mở với cách giáo dục mới. Phe phản bác vẫn một mực cho rằng hành vi trên không thể biện hộ vì nó quá nguy hiểm với các bé khi các bé tự thực hành ở nhà.
Và thế là, từ một trang sách, lòng dũng cảm “ném đá” và “nhận đá” lan truyền khắp cộng đồng. Kỳ thi căng thẳng đã thành dĩ vãng, đường ống nước sông Đà cũng chẳng còn quan trọng,... chỉ có “học sinh dẫm thủy tinh” là vấn đề nóng bỏng.
2. Vào đầu những năm 2000, phương pháp “live without fear” (sống không sợ hãi) của Tony Robbins đã tạo trào lưu suy nghĩ tích cực ở Mỹ. Đây không phải là phương pháp luyện tập thể chất, cũng không phải là hình thức trị liệu tâm lý. Thực tế, “live without fear” là phương pháp để khắc phục các nhược điểm của bản thân bằng nhiều phương thức khác nhau để sống hạnh phúc hơn.
Sau một thời gian phát triển khá tốt, đến năm 2012, phương pháp này cũng “dính phốt” khi nhiều người đã học theo phương pháp mà bước qua than hồng. Theo thông tin từ The New York Times, 21 người đã phải nhập viện vì bỏng. Những cuộc tranh cãi trái chiều cũng bắt đầu nảy sinh từ đây.
Những hình ảnh tại Trung tâm hướng dẫn trẻ em đi lên mảnh thủy tinh. |
Tôi không khẳng định trung tâm dạy trẻ dẫm lên thủy tinh có “học hỏi” (hoặc “sao chép”) phương thức này không, song câu chuyện luyện tập và các thông điệp đưa ra cũng có nhiều nét tương đồng. Và cảnh tượng trẻ em bước qua thủy tinh an toàn ở trung tâm nhưng nếu gặp chuyện không may ở nhà mà dư luận đặt ra là có thể xảy ra như thảm cảnh ở Mỹ.
Cộng đồng mạng chóng quên, chóng nhớ, song những ẩn họa tồn tại liên quan tới sinh mạng mà chúng ta không nên quên. Rằng tiểu học dạy học sinh dẫm lên đinh thì lên trung học các em ngại gì cưa bom lấy tiền? Rằng hồi bé dẫm lên đinh để lấy tự tin thì lớn lên, cớ gì không dẫm lên dư luận mà nổi tiếng? Rằng ấu thơ nghĩ dẫm lên thủy tinh không sao thì khi lớn, rải đinh ra đường có ngại gì?
Hẳn là những ví von xa xôi song đó là những hệ lụy có thật. Xã hội này dư thừa lòng “dũng cảm” kiểu liều lấy được rồi, “nhập khẩu” phương pháp rèn luyện bản thân cũng cần chọn lọc hoặc cải biến.
Hay nói theo một cách quen thuộc: phương pháp học này chủ trương thì đúng, song cách làm cần... rút kinh nghiệm ./.