Chiều Ba mươi Tết, khi nồi bánh chưng đang sôi sùng sục trên bếp lửa, khi giò lụa xôi gấc đã lên khuôn, nhà cửa đã dọn dẹp trang hoàng tươm tất, mẹ quay sang rửa mớ mùi già, cẩn thận bắc nồi nước thật lớn rồi hô hào chồng con đi tắm gội.

Sáng mồng Một, sáng mồng Hai, mẹ lại dậy sớm đun nước lá mùi để cả nhà rửa mặt. Ai quên thì mẹ nhắc rửa cho thơm tho năm mới.

cay_mui_ulsj.jpg
Cây mùi già ngày Tết

Bao nhiêu năm vẫn vậy. Trong rất nhiều công đoạn chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, mẹ không quên nồi nước lá mùi. Con lớn lấy chồng, lấy vợ. Mẹ thêm con thêm cháu. Nồi nước lá mùi của mẹ dường như to hơn, nhiều hơn. Trong phòng tắm luôn có xà phòng thơm, dầu gội, nhưng mẹ vẫn giục con cháu rửa nước lá mùi. Với mẹ, đó như một nghi lễ dành cho năm mới, nghi lễ mẹ muốn giữ gìn, muốn gửi trao cùng bao tình cảm, ước mơ. Cây mùi vốn là loài thân cỏ đơn sơ mà thơm từ lá, thân, gốc, rễ. Mùi thơm kết tinh từ hồn đất, khí trời, từ thiên nhiên nắng gió vô ưu. Khi những thân mùi già nua trong gió bấc vẫn tận hiến hương dịu dàng tinh khiết, vẫn dự phần đời vào lễ tẩy trần năm mới. Mẹ muốn con cháu mẹ được thấm trong mùi hương ấy, được cảm nhận sự dịu dàng bao dung của trời và đất, xóa đi bao ưu phiền mệt nhọc của hơn ba trăm ngày cũ, đón năm mới trong bình yên dịu nhẹ. Phải vậy chăng, thưa mẹ!

Năm nay lại thêm một cái Tết tôi xa nhà. Chiều Ba mươi ra phố. Dòng người bán bán mua mua mê mải. Hương mùi quanh quất trong gió lạnh khiến lòng chùng lại, xôn xao nỗi nhớ rất gần. Cô bé nhà quê áo khoác học sinh đồng phục chở ôm lá mùi lọc cọc đằng sau xe đạp. Dáng cô bé vội vàng, tất tả, ngác ngơ. Giao thừa sắp đến mà ôm lá mùi còn dang dở. Tôi gặp trong mắt em ánh mắt tôi của ngày thơ bé, cái thời đầy thiếu thốn lo toan mà lòng rạng rỡ hân hoan khi gió xuân về. Trao ôm lá mùi cho tôi, em không ngừng lời cảm ơn rối rít. Cảm ơn gì đâu, cô bé. Mau về thôi, chiều đã muộn rồi.

Tôi mang hương thơm cuối năm về nhà, lấy ra vài mớ, rửa sạch, cho vào nồi nước bắc lên bếp. Hương mùi dịu dàng lan tỏa khắp căn phòng nhỏ. Lòng khấp khởi, tôi ủ ấp niềm vui được tắm gội cho hai con nhỏ, như ngày tôi còn thơ bé, mẹ múc từng gáo nước thơm, rửa mặt, gội đầu.

“Eo, con không tắm nước này đâu. Kinh lắm”. “Sao lại kinh? Thơm mà con”. “Không, con không thích”. Hai con tôi vùng vằng từ chối. Chúng không thích thứ nước ngả màu vàng nhạt lấm chấm xanh này dội lên đầu, lên tóc. Cũng phải thôi. Chúng đã quen với vòi hoa sen, sữa tắm và dầu gội. Ngày nào chúng cũng sạch sẽ thơm tho. Chúng chưa bao giờ phải chịu cái lạnh run người vì thiếu khăn thiếu áo, vì cơn gió bấc thổi ào vào phòng tắm trống huơ trống hoác, cũng chưa bao giờ được cảm nhận niềm vui có một chậu nước nóng thật to, thật thơm để tha hồ tắm gội. Tết đối với con đâu có nhiều mong ước như cha mẹ khi xưa!

Nồi nước lá mùi nằm lặng im suốt ba ngày Tết. Tôi không còn niềm háo hức nhưng cũng không lỡ bỏ đi. Những nắm mùi còn lại, tôi hong lên lan can phơi gió. Qua Tết, thân mùi chuyển từ màu xanh sẫm sang màu nâu nhạt. Đám thân héo hắt khô khao vẫn kín đáo tỏa mùi thơm dìu dịu. Mỗi khi tôi ngang qua, hương thơm lại vô tình níu kéo. Nỗi đau bất chợt cứa vào tôi ngọt sắc. Mẹ cũng như thân mùi già một đời thầm lặng. Còn tôi, đứa con tha hương nơi đất lạ vẫn chỉ là đứa trẻ khao khát được bao bọc trong mùi hương tinh khiết ấy./.