Trong ngày cuối tuần nghỉ ngơi, cái tin được nhiều báo đưa khiến tôi bực mình nhất là việc đề xuất đánh thuế lãi suất gửi tiết kiệm với những khoản tiền trên 500 triệu đồng.

"Sáng kiến" này do Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đưa ra. Và nó không phải là "phát minh" lần đầu. Cách đây vài năm, người ta đã nói đến chuyện này. Nhưng khi mới vừa có ý đó, thì công luận đã dập cho tơi tả, rồi chết yểu ngay lập tức.

vcb-nh-hh490.jpg
Người dân có tiền nhàn rỗi, tiền tích cóp được từ lao động chân chính, vì không biết hoặc không có khả năng tự đầu tư kinh doanh, người ta mới đem bỏ vào ngân hàng (ảnh: KT)

Lần này, khi đưa ra sáng kiến này, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, hiện nay tiền gửi tiết kiệm trong dân quá lớn, ước đến 2,5 triệu tỷ đồng. Do Nhà nước áp dụng chính sách lãi suất thực dương, hiểu nôm la là lãi suất gửi tiết kiệm cao hơn mức lạm phát, nên dân cứ đem gửi tiết kiệm, không chịu đầu tư vào sản xuất kinh doanh, rất phí. Vị này còn chua thêm, trên thế giới không nước nào áp dụng chính sách lãi suất thực dương này (?).

Lý lẽ thứ hai là khoản gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng không nhiều, đánh thuế thì người nghèo, hưu trí có tiền gửi tiết kiệm, không ảnh hưởng, Nhà nước thì là thu được ngân sách...

Xin thưa rằng, đây là mớ lý lẽ không thể chấp nhận được.

Lẽ thường, người dân có tiền nhàn rỗi, tiền tích cóp được từ lao động chân chính, vì không biết hoặc không có khả năng tự đầu tư kinh doanh, người ta mới đem bỏ vào ngân hàng, nhờ nhà băng đầu tư kinh doanh hộ, lãi suất mà họ được nhà băng trả cho là sự chia sẻ lợi nhuận từ nguồn vốn của họ. Nếu lãi suất gửi ngân hàng mà thấp hơn mức lạm phát, thì có nghĩa là tiền tiết kiệm của họ không bảo toàn được giá trị, như thế ai muốn gửi tiết kiệm làm gì.  Tất nhiên, nhiều người dân, vì không biết làm gì với khoản tiền tích cóp của mình, nếu không mua vàng, bất động sản thì họ vẫn buộc phải gửi tiết kiệm.

Trong tình hình kinh tế hiện nay, với mức lạm phát như thế này, gửi tiết kiệm với lãi suất hiện tại thì cơ bản vẫn chỉ là giúp người dân bảo toàn giá trị khoản tiết kiệm của họ, nếu  còn  đánh thuế với tiền lãi nữa, thì có khi đến giá trị đồng vốn của họ cũng chả bảo toàn được.

Thêm nữa, trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, nếu đánh thuế cả tiền gửi tiết kiệm, khác nào bóp nặn không thương tiếc hầu bao của nhân dân. Đưa ra cái sáng kiến này, rõ ràng là không nhạy cảm.

Chưa kể đến việc trước khi có thu nhập dư ra mang gửi ngân hàng, người dân đã phải đóng đủ các loại thuế, ví dụ thuế thu nhập cá nhân... cho khoản tiền đó, đánh thuế tiếp vào lãi suất tiền gửi tiết kiệm, khác nào thuế chồng lên thuế.

Tôi cũng hơi thắc mắc là sao người đưa ra sáng kiến thu thuế này lại không phải là ai khác mà là một Hiệp hội Bất động sản?.

Ai chả biết, hiện nay, khó khăn, sống dở chết dở  nhất  là ngành bất động sản, hàng trăm hàng ngàn tỷ nợ xấu đang ở chôn trong lĩnh vực này. Có phải không tiêu thụ được hàng thì các nhà kinh doanh này "xui" Nhà nước đánh thuế tiền tiết kiệm để lùa dân mang tiền ra mua nhà đất đang ế xưng kia.

Có phải ai cũng biết tự đầu tư kinh doanh đâu, nên nếu gửi ngân hàng mà thuế nặng, không có lãi, không bảo toàn được vốn, thì chỉ còn 3 ngả để người tiết kiệm phải đi là: mua vàng, ngoại tệ và... bất động sản. Mà vàng và ngoại tệ thì cũng không phải dễ mua thời buổi này, thế thì chỉ còn một con đường chứ còn sao nữa!

Trong giai đoạn hiện nay, để an dân và nuôi dưỡng sức dân, cần cân nhắc rất thận trọng khi đưa ra hoặc tăng lên mọt loại thuế hay lệ phí nào đó. Cái được có khi chỉ là trước mắt mà cái mất có khi lại là lâu dài.

Nhà nước cần có nhiều quân sư, nghe nhiều luồng ý kiến để có quyết sách thật sự đúng đắn.

Nhưng với những quân sư mà tư vấn cái gì cũng lồng lợi ích nhóm vào thì tôi xin can là nên tránh cho xa./.