Trước đây tôi thích giải ngoại hạng Anh, lúc đó chỉ VTC có bản quyền, thế là đầu tư mua đầu kỹ thuật số của VTC, sau mấy mùa, khi họ không mua được bản quyền giải này nữa thì cái đầu thu ấy cũng hết mốt.

Sau đó là K+ ôm được giải ngoại hạng. Đấu đá, thương thảo một hồi, bản quyền giải ngoại hạng mới được chia sẻ cho  một số đài vào thứ bảy. Còn chủ nhật, chỉ ông nào có cái đầu của K+ mới xem được. Không phải tôi không có tiền mua đầu K+  nhưng tôi cảm thấy mình bị cưỡng ép, nên nhất định không bỏ thêm 1 xu nào nữa.  Mà chỉ xem thứ bảy, không xem chủ nhật thì cũng chán, thế là ham muốn xem bóng đá ngoại hạng Anh nhạt dần.

ongvuongkien.jpg

Còn bóng đá Việt Nam, thú thật tôi không xem V - League.

Hơn một thập niên qua, bất chấp kỳ vọng của công chúng, trình độ của giải đấu này không tiến bộ được bao nhiêu. Nó chỉ nổi tiếng bởi có quá nhiều tai tiếng.

Khi đọc tin về bóng đá Việt Nam, tôi quan tâm nhiều đến các ông bầu. Họ là những người rất giàu, đầu tư vào bóng đá vì yêu nó (chắc cũng như tôi) nhưng không phải chỉ vì tình yêu. Ai cũng biết, tên tuổi của các ông ấy và thương hiệu doanh nghiệp gắn vào đội bóng được công chúng biết đến nhiều hơn. Kinh doanh bao giờ cũng là kinh doanh. Lợi nhuận là mục tiêu số một (trừ Nhà nước phải đầu tư vào một số ngành phục vụ lợi ích công cộng, lỗ cũng làm vì chả ai muốn làm).

Ban đầu các ông này còn khép nép, cả cách thức làm việc với những ông chủ của VFF, cách thức tiếp cận với bóng đá và công chúng. Nhưng gần đây, khi đã chi phối toàn bộ giải đấu vì sức mạnh của mình, tức là khi đã cảm thấy có thể làm chủ cuộc chơi, họ bắt đầu ra tay. 

VFF, bóng đá Việt Nam đã thay đổi sau bài phát biểu nảy lửa của bầu Kiên ở một lễ tổng kết, lẽ ra vẫn nhạt nhẽo và mang tính trình diễn như mọi năm. Sau đó báo chí vào cuộc, dư luận “nổ” VFF ầm ầm, thế là họ miễn cưỡng chấp nhận thay đổi, rồi VPF nhanh chóng ra đời. Có lẽ chỉ các ông bầu mới có thể làm việc này được nhanh gọn đến thế, nhoáng cái là thông hết từ trên xuống dưới. 

Và bây giờ là tranh chấp của AVG và VPF về bản quyền bóng đá Việt Nam, vốn đã được VFF bán cho AVG với thời hạn 20 năm. Không biết hai bên thỏa thuận với nhau những gì, nhưng nguyên việc các vị lãnh đạo VFF dám ký một hợp đồng dài đến 20 năm đã là chuyện “khó ở” rồi.  Nếu nhìn lại 20 năm trước, chúng ta có tưởng tượng ra những gì của bây giờ không? 20 năm sau chắc chắn cũng như thế. Dù luật chưa cấm, nhưng việc đặt bút ký bán thóc lúa của con cháu mình trước 20 năm thì không biết sau này chúng sẽ nghĩ gì về cha chú bây giờ? Ai cũng biết thời gian tại nhiệm của mình quá lắm cũng chỉ là 2 nhiệm kỳ, làm thế là quá đáng và dân chúng có cớ để mà nghi kỵ!

Đứng sau AVG và VPF đều là các ông chủ lớn, lắm tiền nhiều của. VPF đang được lợi nhờ công chúng thích trước mắt được xem bóng đá không mất tiền, còn AVG đang nắm luật và chữ ký của VFF!  Phen này sẽ là một trận đấu to, dù có ai thắng thì cũng tổn hao công lực vô kể. 

Tôi không tin vào những gì cho không. Vì hôm nay bạn được cho không cái này, ngày mai bạn sẽ mất hoặc phải bỏ tiền ra mua một cái khác có giá bằng cả cái bạn vừa được biếu không cộng lại.

Tôi chỉ “thương” VFF vì bây giờ không biết ăn nói sao đây giữa VPF - sản phẩm mà họ vừa đẻ ra, và AVG- nhà đầu tư thông minh.

Tôi cũng băn khoăn là không biết đến bao giờ, người hâm mộ Việt Nam mới được hưởng một nền bóng đá đích thực: cao thượng, đẹp, có đẳng cấp và có văn hóa./.