Đánh giá của Bộ Tài chính về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá Tết nguyên đán Quý Tỵ khẳng định: Nhìn chung giá cả thị trường trong dịp Tết chỉ tăng nhẹ, không có những cơn sốt đột biến về giá xảy ra. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2013 cả nước - thời gian trước Tết  tăng 1,25% (hai trung tâm tiêu thụ lớn của cả nước có mức tăng thấp hơn: thành phố Hà Nội: 0,95%, thành phố Hồ Chí Minh: 0,44%). So với cùng thời kỳ các năm trước thì đây là mức tăng không quá cao khi đang là thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

Cũng qua theo dõi của Bộ này, những ngày cận Tết, giá cả thị trường về tổng thể có nhích tăng nhẹ, nhưng giữa các nhóm hàng, mặt hàng có những biến động trái chiều nhau: một số loại hàng hoá, dịch vụ cơ bản do Nhà nước còn điều tiết giá được giữ ổn định (điện, xăng dầu, than cho sản xuất điện, các mặt hàng được trợ cước, trợ giá, …), có loại giảm như: LPG. Nhiều loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu thuộc chương trình bình ổn giá cơ bản bình ổn và thấp hơn giá thị trường khoảng từ 5%-15%. Giá nhóm hàng lương thực (gạo lẻ ngon, gạo nếp): ổn định; Giá nhóm hàng thực phẩm: tăng nhẹ, trong đó: rau xanh tại các tỉnh phía Bắc tăng (ngày 23, 24 Âm lịch) do thời tiết rét đậm, sau đó giá giảm (27,28 Âm lịch) do thời tiết chuyển ấm hơn; sau Tết (mùng 4, 5 Âm lịch) giá rau xanh tăng do nguồn cung thu hẹp;  nhóm thịt gia cầm (gà), gia súc (bò, lợn): tăng nhẹ những ngày cận Tết (27, 28 Âm lịch) và sau Tết  (mùng 4, 5 Âm lịch).   

Tại Hà Nội, sau Tết (ngày mùng 3, 4, 5 Âm lịch): giá thịt bò, cá tươi tăng nhưng không tăng mạnh như cùng thời điểm Tết Nhâm Thìn 2012; giá hoa tươi giảm; giá rau củ ổn định ở mức cao; giá trứng gà trên thị trường khoảng 31.000-37.000/chục (siêu thị trước Tết ổn định ở mức 32.000-42.000/chục); các mặt hàng khô, rượu, bia thuốc lá có tích trữ từ trước và nhu cầu sau Tết không cao nên giá tương đối ổn định.

Giá bán lẻ trứng gà trên thị trường ổn định nhờ lượng trứng gia cầm của các doanh nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu trong khi giá bán lẻ trứng vịt có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ cao vào dịp Tết. Vào hai ngày cận Tết (28 và 29 AL) Công ty TNHH Ba Huân và Công ty TP Vĩnh Thành Đạt đã giảm giá 2.000đ/chục trứng gà còn 21.500đ/chục và 1.000đ/chục trứng vịt còn 29.500đ/chục.

Giá cước vận tải hành khách bằng phương tiện ô tô ở nhiều tỉnh, thành phố thực hiện phụ thu thêm từ 20% - 60% so với giá vé bán ngày bình thường trước thời kỳ cao điểm (càng xa ngày Tết tỷ lệ tăng thấp hơn cận ngày) của giá vé chiều đông khách để bù cho chiều chạy ngược lại ít khách, giá giữ nguyên, cụ thể: mức tăng 20% kể từ ngày 15 - 18 tháng Chạp (tức từ ngày 26-29/01/2013) và từ mùng 1 đến hết mùng 3 Tết (tức từ ngày 10 - 12/02/2013), mức tăng 40% kể từ ngày 19 - 22 tháng Chạp (tức từ ngày 30/01 - 02/02/2013) và mức tăng 60% kể từ ngày 23 - 29 tháng Chạp (tức từ ngày 03 - 09/02/2013). Ngành đường sắt áp dụng chính sách tăng giá chiều đông khách trung bình 2- 5% (mác tàu chẵn) và giảm giá chiều vắng khách 10-50% (mác tàu lẻ). Các doanh nghiệp vận chuyển hàng không tăng tối đa các chuyến bay, giữ ổn định giá vé theo mức giá do doanh nghiệp đã kê khai trong phạm vi trần Nhà nước quy định đối với chiều đông khách, giảm giá đến 50% đối với chiều vắng khách.

Như vậy, có thể đánh giá khái quát là giá thị trường có tăng, nhưng mức tăng nhẹ, sở dĩ như vậy là do: nhu cầu có tăng trong dịp Tết, nhưng sức mua thị trường không cao, người dân chi tiêu tiết kiệm hơn năm trước; về phía cung: lượng hàng hoá dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu; công tác chỉ đạo điều hành được Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương và doanh nghiệp thực hiện quyết liệt, có hiệu quả nhằm bình ổn thị trường.

Theo báo cáo các địa phương gửi về Bộ Tài chính, tính đến ngày 8/02/2013 có 45 tỉnh, thành phố được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho các doanh nghiệp chủ lực trên địa bàn dự trữ hàng hóa bình ổn giá trong dịp Tết với tổng kinh phí là 1.332,0 tỷ đồng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, thủy hải sản, đường, rau củ, thực phẩm chế biến…

Bộ Tài chính cũng thực hiện các biện pháp giữ ổn định giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất và đời sống như: giá bán điện, giá bán than sản xuất điện, … Tạm thời giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước còn kiểm soát giá trực tiếp.

Trước diễn biến tăng của giá xăng dầu thế giới, để bình ổn giá cả thị trường nói chung, giá xăng dầu nói riêng, tránh tác động bất lợi đến đời sống người dân khi Tết Nguyên đán đang đến gần; trong tháng 1/2012, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều hành kinh doanh xăng dầu để giữ ổn định giá bán, mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các chủng loại xăng dầu như hiện hành thông qua biện pháp cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng Quỹ Bình ổn giá tính cho lượng xăng, dầu thực tế bán ra ở nhiệt độ thực tế đối với các mặt hàng xăng, dầu.

Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của hàng hóa dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch thanh toán bằng nguồn ngân sách Nhà nước; hàng hóa được trợ cước, trợ giá phục vụ đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Kiểm soát việc cam kết thực hiện về giá đối với các mặt hàng được hỗ trợ vốn từ chương trình bình ổn giá. Đồng thời thực hiện việc kiểm soát chi từ Ngân sách Nhà nước trong đầu tư, trong chi tiêu thường xuyên, kiên quyết loại trừ các khoản chi không đúng định mức, tiêu chuẩn, chi sai chế độ chính sách.../.