Cách đây hơn một năm, báo chí trong nước từng đưa tin, ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, có một nông dân đã dùng súng đại bác tự chế (súng bằng xe cút kít và ông điếu, đạn là pháo hoa địa phương) bắn vào lực lượng cưỡng chế đất. Hành động này xảy ra vì ông không chấp nhận giá đền bù quá rẻ mạt để lấy đất của ông xây dựng một khu đô thị.
Trong văn học, nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc) cũng đã từng có một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng mang tên“Cây tỏi nổi giận”, nói về sự bức xúc dẫn đến phản ứng tiêu cực của người nông dân Trung Quốc trước thái độ quan liêu của chính quyền. Những sự kiện như thế, đã và đang có sức cảnh báo rất lớn trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách phát triển, không chỉ đối với Trung Quốc.
Thật đáng buồn là chúng ta lại để cho một sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.
Thế là sau hơn một tháng, vụ việc nóng bỏng này sẽ được phân xử một cách cơ bản bằng phiên làm việc của Thủ tướng với Hải Phòng vào ngày 10/2. Đúng - sai, những bài học rút ra từ vụ việc này sẽ được phân minh. Tất nhiên, để giải quyết căn cơ mọi hậu quả mà nó gây ra, thì ngày đó có khi cũng chỉ là điểm bắt đầu.
Riêng tôi, ngay từ khi vụ việc chấn động dư luận này xảy ra, tôi vẫn nghĩ, nếu được làm lại, liệu có một kết cục đỡ tổn thương hơn cho cả gia đình ông Đoàn Văn Vươn và UBND huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng hay không?
Nếu được trở lại ngày xưa, có lẽ ngay sau khi Luật đất đai 1993, rồi sau đó là 2003 có hiệu lực, chính quyền huyện Tiên Lãng sẽ phải cùng các hộ dân, trong đó có gia đình ông Vươn, tìm cách chuyển đổi việc quản lý, sử dụng khu đầm này đúng theo luật mới, trên tinh thần tôn trọng nhân dân, tôn trọng luật pháp, tôn trọng những thành quả lao động của nhân dân, sao cho vẫn đảm bảo hài hoà lợi ích của đôi bên.
Nếu được trở lại ngày xưa, có lẽ Toà án Hải Phòng, cơ quan giữ cán cân công lý, không nên để hai bên phải thỏa thuận với nhau, mà hãy trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, chỉ ra ngay mức độ sai, đúng của mỗi bên, và phải ra được một bản án đúng luật, bắt buộc đôi bên cùng thực hiện.
Nếu được làm lại, có lẽ chính quyền Tiên Lãng sẽ không tổ chức một cuộc cưỡng chế nhiều sai lầm đến thế, trong một thời điểm nhạy cảm như thế.
Còn với ông Đoàn Văn Vươn, tôi không biết, khi ngồi trong nhà giam, ngẫm nghĩ về việc mình làm, về hoàn cảnh bi đát mà anh em, vợ con ông bị cuốn vào, liệu có một cơ hội khác, ông có hành động khác đi không?
Nói tóm lại, đến giờ này, cả Hải Phòng, cả gia đình ông Vươn đều phải gánh chịu những mất mát quá lớn.
Hơn một tháng qua, báo chí đã tốn nhiều công sức để đi đi tìm bản chất đúng-sai của vụ việc này. Tại sao sự kiện nay lại nóng đến như thế, trên VOV chúng tôi cũng đã đề cập nhiều lần.
Trong nhiều lý do, có lẽ có hai điều nổi cộm: Thứ nhất, chuyện này là chưa từng xảy ra ỏ nước ta, lần đầu tiên, một gia đình nông dân chọn cách phản ứng tiêu cực là nổ súng vào lực lượng cưỡng chế; Thứ hai, chuyện này liên quan đến đất đai, đến những tranh chấp khiếu kiện về đất đai vốn diễn ra ngày càng phức tạp, ở hầu hết các địa phương, trong phạm vi cả nước và trong một thời gian dài. Nó cho thấy, giữa luật pháp và việc thực thi luật pháp về đất đai, trên thực tế đang có một khoảng cách khá xa.
Sai lầm, thiếu sót của cả đôi bên đều có cả lý do chủ quan và khách quan. Đầu tiên là sự non kém về kiến thức pháp luật, nhất là phía chính quyền, lẽ ra phải hiểu và nắm rất vững luật lệ thì lại tỏ ra quá non yếu. Thậm chí đến khi chuyện đã thành quá to rồi, họ vẫn cứ tin là mình đúng, dựa trên những văn bản, quyết định đã không còn hiệu lực.
Một lý do khác là sự thiếu ổn định, thậm chí là sự thay đổi liên tục của pháp luật, nhất là luật đất đai, trong đó cũng có những khoảng trống, gây ra sự khó khăn và lúng túng khi áp dụng. Hãy hình dung, chính những cán bộ ở cơ sở là đội ngũ phải triển khai tất tần tật mọi chủ trương, chính sách, mọi văn bản pháp quy từ bé đến lớn, thuộc mọi lĩnh vực khác nhau vào cuộc sống. Để làm tốt và làm đúng một cách tuyệt đối, cần phải có những người toàn diện lắm. Về mặt này, có lẽ còn rất lâu nước ta mới đạt tới được.
Vụ việc ỏ Tiên Lãng, Hải Phòng lẽ ra không được phép xảy ra, nhưng vì nó đã xảy ra rồi nên cần coi đó là một kiểu học phí mà nhà nước và xã hội phải trả trên con đường rất dài đến với một nhà nước pháp quyền.
Nhưng nếu được trở lại ngày xưa, tôi tin chắc cả hai bên sẽ có cơ hội và sẽ lựa chọn một cách ứng xử khác.
Và tôi cũng lẩn thẩn ngẫm nghĩ, nếu ở vào địa vị Bí thư Thành ủy, hay Chủ tịch thành phố Hải Phòng, thì mình sẽ làm gì? Có lẽ với mẫn cảm chính trị về mức độ ảnh hưởng của vụ việc này trong dư luận xã hội, thì rất không nên để đến ngày hôm qua mới đưa ra được những kết luận ban đầu, mà ai cũng biết rồi sẽ phải như thế. Và có lẽ cũng không nên để một vụ việc như vậy phải đẩy lên một cấp giải quyết quá cao, là Thủ tướng./.