Đọc về những vụ tai nạn thương tâm trên báo chí, tôi cũng như nhiều bạn đọc không thể cầm được nước mắt. Buồn vì thân phận bé nhỏ, bất lực của con người trong cuộc sống nhiều bất trắc. Thương cho những sinh linh, những cảnh đời không may bị tước đi sự sống hoặc những người thân yêu nhất của mình. Hơn bốn chục người chết dồn dập, chỉ trong vòng hơn một tuần bởi thiên nhiên, tai nạn, sự cố…, điều đó khiến cho mọi người đều không khỏi cảm thấy bất an.Một người cha ở Nghệ An cõng con bơi qua vực nước bị chết đuối khi cố gắng đẩy đứa con của mình khỏi vùng nguy hiểm. Khi vớt xác anh lên, người ta thấy giỏ ốc mà anh dự định mang bán lấy tiền mua gạo cho con vẫn còn treo lủng lẳng trên cổ. Trước kia, con gái của anh cũng chết đuối ở chính vực nước ấy vì đi mò ốc phụ giúp cha kiếm cơm ăn qua ngày. Cái chết của anh làm mất đi chỗ dựa duy nhất cuối cùng của bốn đứa con, vì mẹ chúng cũng đã lìa đời mấy năm trước.Rồi một trận lũ ống gây sạt lở đất ở La Pán Tẩn (Mù Cang Chải-Yên Bái), lấy đi sinh mạng của 17 người khi họ đang đi mót quặng lộ thiên để bán. Đây là một trong những vùng nghèo khó nhất nước, nơi mà mưu sinh là một hành trình vô cùng khó khăn, khắc nghiệt.Trong số 17 nạn nhân, phần lớn là họ hàng, có hai đứa trẻ là anh em ruột mồ côi.Rồi thêm một vụ cháy xưởng may ở Nga, cũng đốt chết 14 mạng người, trong số ấy, có thanh niên vừa mới sang được mấy ngày... Đấy là những cái chết tức tưởi, thương tâm của những người dân lành trong cuộc mưu sinh cực nhọc. Họ có thể là anh em, họ hàng, bà con làng xóm của ta. Những bản tin như vậy được đưa liên tục, tạo ra cảm xúc ngậm ngùi, thương xót và có phần nào đó là bất lực về thân phận con người.Và đỉnh điểm của nỗi đau là cái chết của 8 em gái ở huyện Mỹ Đức- Hà Nội ngay trong những ngày đầu tiên của năm học mới. Các em chết đuối vì cứu nhau khi đi tắm ở một hồ nước sâu vắng vẻ gần trường học. Sẽ đau đớn như thế nào nếu chúng ta là cha mẹ, những người thân yêu của các em gái đó? Bao nhiêu là tình yêu thương, bao nhiêu là kỳ vọng vào các em, những người có cả một tương lai đang đợi phía trước kia...Trong một quá trình (có thể gọi là phát triển) ngổn ngang của chúng ta, sự an toàn của con người hình như đang đứng trước quá nhiều bất trắc.Tôi còn nhớ chuyến công tác đến Anh năm 2008, lúc ấy, choáng ngợp trên mọi phương tiện truyền thông nước này là câu chuyện và cái chết của một em bé, mà họ gọi là "baby P" . Em chết do bị bố dượng và mẹ đẻ bạo hành và ngược đãi, lại không được chăm sóc y tế kịp thời. Lúc đó, câu hỏi lớn nhất mà truyền thông Anh truy lùng là TRÁCH NHIỆM để xảy ra cái chết thương tâm này. Họ phân tích, mổ xẻ từ tội lỗi của cha dượng và mẹ của em, đến sự thờ ơ, sơ suất của những người hàng xóm, khu phố, các cơ chế tự quản ở nơi em sống, bệnh viện, rồi đến nhưng cấp rất cao, thậm chí là khá xa là cơ quan có trách nhiệm với vấn đề trẻ em quốc gia...
Blog Thóc: Những cái chết thương tâm
Tôi có cảm giác họ đã làm cho cả xã hội Anh phải tự vấn về cái chết của em bé này, cuối cùng, sau khi lảng tránh, chối bỏ, biện hộ...,đại diện cao nhất của tổ chức chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã phải lên tiếng xin lỗi và thừa nhận trách nhiệm. Sau đó là hàng loạt thay đổi về các qui định liên quan đến nuôi dưỡng, giám hộ, bảo vệ trẻ em. Mục đích cuối cùng là để nâng cao TRÁCH NHIỆM, làm rõ TRÁCH NHIỆM nhằm tránh để lặp lại những câu chuyện đau thương tương tự.
Tôi muốn kể câu chuyện trên để nói rằng hình như truyền thông và cả xã hội ta chưa làm đến nơi đến chốn trách nhiệm của mình. Có phải vì thế mà tình trạng tai nạn, chết chóc vẫn xảy ra thường xuyên, đặc biệt là những dòng tin về nạn chết đuối ở cả người lớn và trẻ em, hiện tượng núi lở, lũ cuốn chết người cứ lặp đi lặp lại?
Chúng ta đã làm hết trách nhiệm chưa khi không giáo dục đầy đủ kỹ năng sống cho các em, trong đó có kỹ năng tối thiểu là bơi lội? Nhà trường, gia đình, các ông bố bà mẹ đã dành sự quan tâm thích đáng đến học trò và con cái của mình hay chưa? Chính quyền các cấp, những người chịu trách nhiệm quản lý xã hội, đảm bảo một môi trường sống và làm việc an toàn cho mọi công dân đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Tôi nghĩ là chưa. Tôi cũng không đồng ý việc đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan như thiên tai, bão lũ hay đổ cho hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, lực lượng mỏng, trình độ có hạn, thậm chí đổ lỗi cho nhận thức của người dân,... để lý giải cho những tai nạn thương tâm như vậy.
Vẫn biết chúng ta chưa ở trình độ phát triển như nước Anh nhưng vẫn có thể làm tốt hơn hiện tại.
Một xã hội an toàn và được tổ chức tốt là môi trường mà bất cứ vấn đề gì, lĩnh vực nào cũng có cá nhân, hay tổ chức nào đó chịu trách nhiệm. Ý thức về trách nhiệm xã hội và tinh thần công dân chỉ có thể hình thành trên cơ sở như vậy.
Từ những sự cố như trên, phải có ai đó suy nghĩ và hành động. Nếu không, những chuyện đau lòng như thế lại rất có thể xảy ra ngày mai, ngày kia, ở chính chỗ đó hoặc một nơi nào khác.
Tôi nghĩ truyền thông không nên chỉ dừng lại ở việc đưa tin một cách thụ động và hời hợt. Cần làm sao đó để lay động lương tâm xã hội, làm cho mọi người cảm thấy sâu sắc nỗi đau đớn mất mát của các nạn nhân và thân nhân họ, đánh thức và làm sống dậy tinh thần trách nhiệm.
Nên bớt đi những tin bài về sự hở hang, đàng điếm của một vài ngôi sao nào đó. Và bớt đi cả những thông tin nhạt nhẽo, chả cần thiết cho ai.Tường thuật về chết chóc và những điều bất hạnh không phải là lý tưởng hay những điều thích thú của người làm truyền thông. Tuy vậy, nếu những chuyện buồn đó cứ xảy ra liên tiếp, thì truyền thông vẫn phải hành động để con người được sống trong một môi trường an toàn hơn, nhân văn hơn./.
Phạm Kinh Bắc/VOV online