Cuối những năm 80,  phương tiện thông tin còn ít ỏi nên nhiều người sống khỏe bằng nghề bán kết quả sổ xố, phần lớn cho dân chơi lô đề. Hồi đó tôi đang là sinh viên cũng gia nhập đội quân bán kết quả này. Vài năm sau, truyền hình, máy nhắn tin, điện thoại các loại phát triển ầm ầm khiến nghề này không còn đất sống.
Mất nghề kiếm cơm, nhưng tôi ngộ ra  sự phát triển của khoa học công nghệ sẵn sàng xóa sổ một nghề nào đó trong xã hội và hoàn toàn có thể làm đảo lộn cuộc sống. Tâm sự điều này với thằng bạn thân, tưởng nó sẽ gật gù với "nhận định có tầm khái quát" của tôi, ai dè nó nhìn từ đầu tới chân, nói tưởng gì, ông giở sách phổ thông xem lại đi. Tôi cười hì hì chữa ngượng, nói thì bây giờ mới có thực tiễn.  
tim-kiem-tt.jpg
Khoảng 14.100.000 kết quả (0,37 giây) với cụm từ "máy tỉnh rẻ nhất thế giới"
Nhà văn Thái Bá Tân thường nói câu này mà tôi cho rằng có lý: Kinh tế thị trường và Internet là hai phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ trước.  Mạng toàn cầu làm cho thế giới “nhỏ” lại và dường như không còn bị ngăn cách. Nhưng lặn ngụm trong biển thông tin ấy rất có thể chúng ta mất tự do và bị phụ thuộc. Song nguy thay, nhiều người lại ngộ nhận mình là người tự do nhất và đang làm chủ được bản thân.
Ngày nay, khi tôi định  mua một chiếc máy tính, việc đầu tiên là tôi gõ vào Google câu lệnh “máy tính tốt, rẻ.” Hàng triệu kết quả hiện lên trong tích tắc . Tôi khoan khoái rít một hơi thuốc, chiêu một ngụm trà, khà lên một tiếng đầy tự mãn về sự khôn ngoan mà không hề biết mình đang bị lệ thuộc ghê gớm vào những nhận định chủ quan của người bán và kẻ mua trên mạng.
Đó là chưa kể Google đi guốc trong bụng bạn, biết rõ sở thích, thói quen… của bạn thông qua những câu lệnh và những bài bạn đã download trước đó. Cỗ máy tinh khôn sắp xếp theo hướng ưu tiên cho những kết quả phù hợp với gu của bạn, kín đáo chiều chuộng bạn.
Chúng ta say sưa thể hiện những suy nghĩ của mình trên mạng một cách thuận tiện và thoải mái,  để rồi chưa uống xong chén nước, chúng ta bồn chồn lao tới máy tính để bấm bấm, nhòm nhòm xem lượng người bình luận (comment) tăng bao nhiêu, người khen kẻ chê thế nào; chúng ta hỉ hả vì có nhiều người hào phóng bấm LIKE một cách vô tội vạ và rất thiếu chân thành, thậm chí sẵn sàng LIKE cho cả những tin buồn.  
Chúng ta ngộ nhận đang làm chủ cỗ máy tinh vi, cỗ máy giúp thế giới  trở nên nhỏ bé hơn, bắt nó phục vụ mình, nhưng nói chính xác hơn, nó đang phục vụ cho sở thích và thói quen của mỗi người. Nếu không tỉnh táo, rất có thể nó biến chúng ta thành những kẻ bảo thủ, độc đoán, những người ưa nịnh, luôn chạy theo đám đông mà thiếu đi sự sáng tạo và quan điểm riêng. Có người nói khi đó ta thiếu đi sự minh triết, tôi thấy cũng đúng.
Hôm rồi có chị vừa đi thăm con du học bên Mỹ về kể, ở bên đó  các cháu phải thực hiện nhiều bài tập theo nhóm, sau đó thuyết trình. Muốn có bài thuyết trình  hay thì phải đọc nhiều tài liệu, trong đó tài liệu in, có tác giả rõ ràng, được khuyến khích và đánh giá cao hơn những tài liệu không rõ nguồn ở trên mạng.
Nghe chị kể tới đây tôi bỗng giật mình nhớ tới những sản phẩm in của ta, nhẽ ra phải được tin cậy, như sách giáo khoa, sách tham khảo... lại mắc nhiều lỗi quá, thậm chí “cổng trường em” còn xuất hiện cả cờ Trung Quốc.
Xem ra sống trong một thế giới mà chỉ cần bấm chuột là ra kiến thức thì càng cần có kiến thức, một hệ thống kiến thức nền vững chắc cùng  phông văn hoá dày dặn. Chỉ có như vậy mới đủ khả năng tổng hợp, phân tích để chọn lựa những gì đúng đắn, phù hợp trong cái bể thông tin hỗn độn này. Nếu  không chuẩn bị cho mình một “bộ lọc”  thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ trở thành những kẻ “đẽo cày giữa đường" của thế kỷ 21.
Kiến thức nền và phông văn hoá ấy ở đâu nếu không phải nhà trường và gia đình ? Nhưng cả hai địa chỉ ấy hiện nay đều chưa thực sự yên tâm./.