Hôm rồi ngồi cà phê với anh bạn, chuyện công việc, chuyện đời, chuyện xã hội rồi tự nhiên lan sang chuyện giáo dục. Anh bức xúc nói bọn trẻ hôm nay mắc nhiều tính xấu là do giáo dục, do một số thầy cô… Tôi hỏi sao? Anh chứng minh từ chính con anh, rằng lớp cháu có một số bạn bị thầy cô trù úm nên nảy sinh tâm lý thù ghét. Rồi những ứng xử không khéo léo, thiếu tính sư phạm của giáo viên gây căng thẳng, nặng nề cho học sinh. Giáo viên đáng lẽ phải cởi mở, thẳng thắn và cảm thông thì lại có hành động gây cho học sinh tâm lý đối phó, phòng thủ.

Anh chứng minh: Giáo viên hôm nay nhiều người học được bài tủ từ thế hệ lão làng là buổi đầu tiên vào lớp phải tỏ ra nghiêm, thậm chí dằn mặt “thì chúng nó mới không nhờn”, dạy mới đỡ mệt. Rồi anh kết luận : Như vậy là ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, chính giáo viên đã tự khép cánh cửa lòng mình lại rồi thì làm sao mà chia sẻ, cảm thông để tiến tới trò chuyện với các em như người mẹ, người chị?

Dường như cảm thấy chưa đủ, anh kể thêm chuyện lớp của con anh, ngay tại Hà Nội thôi. Một học sinh đổ keo con voi làm quần cô dính chặt vào ghế.  Các con nghịch thế ai chẳng bực, nhưng bực và thù dai tới mức truy xét, hỏi cung như công an với tội phạm thì rất không nên.

Tôi chẳng biết chia sẻ thế nào, chỉ ậm ừ để bạn qua cơn bực tức. Thực ra chuyện về người thầy nói mãi rồi. Tôi nhớ cách đây gần hai chục năm, tại một hội thảo, GS Hồ Ngọc Đại nói đừng nghĩ dạy cấp I nên chỉ cần trình độ trung cấp, phải đại học mới đúng. Ý GS Đại là học sinh càng nhỏ càng cần giáo viên có trình độ. Trình độ ở đây không đơn giản chỉ là dạy chữ A chữ B thế nào mà còn là tổng hợp của nhiều loại kiến thức, trong đó có văn hóa của người thầy.

Chuyện người thầy ở ta là cả một câu chuyện dài. Thời bình dân học vụ chúng ta thu được thành quả làm cả thế giới kinh ngạc. Từ chỗ trên 90% mù chữ (1945) chỉ một thời gian ngắn sau đó, hầu hết nhân dân đã biết đọc biết viết. Có được kết quả vĩ đại ấy là do “người biết chữ dạy người không biết chữ”.

Tuy nhiên, đối tượng học sinh, mục đích dạy học và hoàn cảnh thời bình dân học vụ  rất khác so với sau này nên không thể “trên tinh thần cách mạng tiến công, phát huy những kết quả đã đạt được” mà đơn giản hóa, thậm chí là thô thiển hóa công tác giáo dục.

Nhiều chính sách ưu đãi cho ngành sư phạm sau này, bên cạnh ưu điểm thấy rõ, còn bộc lộ hạn chế khiến chính những người làm giáo dục phải thốt lên: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Nhiều lúc tôi trộm nghĩ, phải chăng với người thầy, chúng ta có phương châm “xấu đều hơn tốt lỏi” ?

Câu nói cửa miệng “một chữ là thầy nửa chữ cũng là thầy” (nhất tự vi sư bán tự vi sư) mang ý nghĩa tôn trọng thì đúng chứ coi nó như định nghĩa về người thầy thì chưa phải. Đã làm thầy thì phải giỏi chứ chỉ có “nửa chữ” sao làm thầy được?

Thực ra với ngành giáo dục thì câu chuyện về người thầy đâu có gì lạ. Họ cũng đã từng hội thảo lên hội thảo xuống xem vai trò người thầy là “then chốt” hay là “quyết định”, rồi đổi mới sư phạm trước hay cải cách chương trình – sách giáo khoa trước. Nói tóm lại là ngành giáo dục cũng biết cả đấy nhưng chẳng hiểu sao nền giáo dục cứ ì ạch, lạ thế!/.