Vụ miệt thị người Việt ở nhà hàng Cát Vàng - Bình Thuận lắng xuống rồi, lẽ ra chẳng cần nói lại vì báo chí và các trang mạng bàn khá đủ. Thế nhưng vẫn ấm ức vì có cảm giác như một vụ việc bị chìm xuồng, dư luận bó tay, pháp luật bất lực.

Nói chủ nhà hàng Cát Vàng kỳ thị, phân biệt chủng tộc có lẽ chưa đúng lắm vì những người mà ông ta kỳ thị đâu có khác “chủng tộc”, đều là máu đỏ da vàng đấy thôi. Ông ta đang tâm miệt thị chính dân tộc mình.

Nghe tuyên bố của ông chủ nhà hàng “không phục vụ người Việt”, tôi cứ cố hình dung trường hợp bà con họ hàng của ông ấy...bước vào tiệm, thì họ coi mình là người gì, hay họ phải tảng lờ tuyên bố kia?

Cách đây không lâu, trong một bài trên VOV.VN này, tôi có viết rằng từng gia đình rời rạc (mà ta quen gọi là tế bào) không tạo nên xã hội được mà mối quan hệ giữa những tế bào ấy mới hình thành xã hội. Xã hội tốt hay xấu, thịnh vượng hay suy vong…, biểu hiện một phần thông qua mối quan hệ ấy.

Miệt thị người Việt, ông chủ nhà hàng Cát Vàng tự mình cắt đứt mối quan hệ kia. Không những thế, ông còn bôi bẩn và tạo tiền lệ xấu cho những mối quan hệ tương tự. Sự thiếu gắn kết trong cộng đồng đang âm ỉ một mối lo, đằng này ông chủ nhà hàng Cát Vàng lại tiếp tục đào sâu thêm cái hố ngăn cách ấy. 

Thử hình dung sau một đêm ngủ dậy, quanh nhà hàng Cát Vàng không một bóng người Việt, liệu lúc ấy ông chủ còn kinh doanh với khách Tây được không?

Sự độc lập của mỗi chúng ta với bên ngoài chỉ là tương đối. Đến suy nghĩ của từng cá nhân, tưởng độc lập một cách tuyệt đối, nhưng xin thưa, chưa chắc.

Dù muốn, con người sống trong một xã hội chẳng thể tách rời khỏi các mối quan hệ xã hội. Nếu ai đó cố tình thì hậu quả cũng giống như việc “một em bé” chỉ biết tru lên như sói vì phải sống tách biệt với xã hội loài người từ lúc lọt lòng.

Qua báo chí tôi biết trong trận đấu giữa Chelsea và Queen Park Rangers (2011) đội trưởng  John Terry bị tố  đã nói với A. Ferdinand là “đồ da đen”. Cho dù ngay sau đó J. Terry cải chính và có người minh oan nhưng cũng đã phải hầu toà 5 lần 7 lượt. 

Mới đây tôi có đi Trung Quốc, trên máy bay anh phiên dịch nhắc đi nhắc lại là sang đó anh đừng gọi là người Tầu vì người Trung Quốc coi đấy là cách nói miệt thị.    

Câu chuyện của ông chủ nhà hàng Cát Vàng chưa nguôi ngoai thì gần đây  dư luận lại bất bình khi người ta lấy tên Annam (mà theo đánh giá của nhiều người là mang tính miệt thị) để đặt tên cho một khu du lich: Princess Annam Resort&Spa.

Ở nhiều nước, hành vi miệt thị là vi phạm pháp luật. Thế mà ở ta hình như chưa có quy định cụ thể về những hành vi miệt thị, gián tiếp sỉ nhục và làm xấu hình ảnh của người Việt Nam? 

Hành vi của ông chủ nhà hàng Cát Vàng có thể chưa có chế tài, nhưng trong cuộc sống không phải hành vi nào cũng được luật pháp điều chỉnh mà bên cạnh đó còn có dư luận xã hội, đạo đức xã hội, chuẩn mực xã hội điều chỉnh nữa. Chẳng hạn như ai đó đóng cửa lại rồi chửi cha mình thì chỉ có lương tâm của chính người ấy và dư luận xã hội lên án được thôi.

Ca dao xưa từng viết: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn". Từ chối dân tộc mình thì lên Hỏa Tinh mà bán ông chủ nhà hàng Cát Vàng ơi!/.