Như đã khoe cùng các bạn, tôi đôi ba lần được đi ra nước ngoài. Sau một vài hôm làm việc lại mong ngóng trở về. Và lần nào cũng vậy, ngóng cổ ra phía cửa sổ để ngắm thành phố của mình từ trên cao. Chẳng riêng tôi, nhiều người cũng làm thế và đã một vài lần, tôi nghe có người thảng thốt: Nhà cửa gì mà kỳ cục quá trời nè!
Cũng đúng thôi. Người Việt sống ở nước ngoài lâu năm, quen với sự ngay ngắn, nề nếp, quy củ…, nay về thăm quê, dẫu yêu quê hương nhưng cũng chẳng thể dối lòng trước sự lộn xộn đập ngay vào mắt. Và nếu sống một thời gian dài hơn ở trong nước người ta còn thấy sự lộn xộn ấy đang diễn ra hàng ngày.
Hàng loạt chính sách trên trời ban ra không có tính khả thi, bị dư luận phản đối rầm rầm; cờ Trung Quốc trong sách học sinh, trong túi nho bán ở siêu thị; du lịch Việt Nam đi quảng cáo danh thắng Trung Quốc ở một hội chợ bên trời tây…
Người dân bức xúc nên đã có phản ứng. Tôi cho rằng phần lớn họ đều yêu Tổ quốc, yêu quê hương, vì không kiềm chế nổi nên mới tỏ thái độ như vậy.
Điều này cũng lý giải vì sao khi người Việt ra nước ngoài thì luôn hướng về Tổ quốc, đến khi về sống và làm việc ở quê nhà lại có tư tưởng “hướng ngoại”, thường so sánh rằng ở nước ngoài họ làm thế này, làm thế kia...
Chúng ta còn nhiều lộn xộn, chúng ta chưa làm được như các nước, vì sao? Viết tới đây tôi giật mình nhớ lời một quan chức nào đó trong chính phủ nói gần 1/3 công chức vô dụng, “sáng cắp ô đi tối cắp về”. Cái ý này cũng được ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhắc lại trên báo chí mới đây.
Nói “vô dụng” là còn nhẹ. Người dân chắc chỉ chấp nhận từ “vô dụng” khi đám công chức ấy đừng ăn lương bằng chính đồng tiền thuế của dân.
Trong một lần trò chuyện với mấy bạn sinh viên rất giỏi, vừa tốt nghiệp ở nước ngoài về, tôi nói đất nước cần có các bạn thì mới phát triển được. Những tưởng câu nói của mình được hưởng ứng và làm ai đó cảm động, nhưng không, một bạn nhún vai, nhoẻn cười, nói anh hơi lạc quan, chúng em không phải là những người làm chính sách.
Đến bao giờ những người trẻ thực sự có năng lực, muốn cống hiến như các bạn sinh viên kia mới lọt được vào hệ thống, thay thế cho gần 30% công chức vô dụng hiện nay, để tạo ra chính sách? Để sách học của học sinh không còn những lỗi ngớ ngẩn chết người? Để không còn có những chính sách trên giời nữa?
Khí phách và lòng tự hào dân tộc luôn là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua bao thử thách trong quá khứ.
Năm ngoái, được dự một cuộc họp với Hiệp hội Phát thanh truyền hình tư nhân ở Philippines, tôi thấy trước khi khai mạc, các thành viên (chỉ vài chục người) đều đứng cả dậy, tay phải đưa lên ngực, áp chặt vào tim, mặt hướng lên quốc kỳ và hát vang bài quốc ca của họ. Không có nhạc, không cần lời ca dìu dặt trầm bổng đi kèm. Họ tự thể hiện tình yêu thiêng liêng và trách nhiệm với Tổ quốc.
Philippines cũng đang phải đối mặt với bao khó khăn, nhưng qua cử chỉ của các doanh nhân Philippines với đất nước trong cuộc họp ấy, tự nhiên tôi tin họ sẽ vượt qua và thành công.
Đấy! Tôi lại “hướng ngoại”, lại mắc “bệnh so sánh” mất rồi. Dẫu sao cũng cần nhắc lại, chúng ta chưa bao giờ có súng to tàu lớn, nền kinh tế của chúng ta còn lâu mới đuổi kịp các nước lớn trong khu vực. Vì thế chỉ có niềm tin, lòng tự hào dân tộc, chỉ có sự đoàn kết mới tạo nên sức mạnh để vượt qua những khó khăn rất lớn lúc này./.