Cái giây phút hoài niệm ấy đến với mỗi người một khác, khi da diết, lúc dữ dội dâng trào và thậm chí man mác một nỗi buồn khó tả.

Tôi may mắn hai lần được đi Malaysia. Cả hai lần đều bay qua vùng cực Nam Tổ quốc. Chẳng hiểu sao cứ đến đấy máy bay lại hạ thấp độ cao, hoặc là trời trong xanh hơn, để tôi được nhìn rõ hơn cái điểm cực Nam đất nước.

Cũng chẳng dám chắc cái mỏm đất nhô ra biển đó có phải Đất Mũi không, bởi tôi chưa hề đặt chân tới.

ca-mau-1.jpg
Đất Mũi Cà Mau

Chưa đến nhưng tôi lại có ấn tượng đặc biệt về nó. Cái dẻo đất ấy, nhìn từ trên cao giống hệt cái móc thò ra khơi xa níu giữ chân người. Máy bay trực chỉ hướng Nam, cái móc níu giữ lòng người ấy cứ chầm chậm trôi dần về phía đuôi máy bay tạo một cảm giác hụt hẫng, bâng khuâng rất lạ của người lần đầu xa quê.

Ở xứ người hơn tuần lễ không được nói tiếng quê hương, tôi nhớ vô cùng. Bật đài dò đủ các tần số không thấy tiếng nói quê hương. Tôi đóng cửa phòng nói chuyện một mình. Ai đó từng đi nước ngoài một mình hẳn hiểu hơn tâm trạng này.

Thèm nghe, thèm nhìn, thèm thở cái không khí quê nhà đến mức trước ngày về nước, tôi thao thức để có mặt ở sân bay ba giờ thật sớm. Tại sân bay quốc tế mênh mông và yên tĩnh, mấy ông người Việt (chắc sang Malaysia làm thuê cho ngành dầu khí) cười nói ồn ào, rất mất lịch sự, nhưng với tôi lúc ấy lại thấy vui vui vì được nghe tiếng quê nhà.

Lúc làm thủ tục nhận chỗ trên máy bay, tôi đề nghị cô nhân viên cho ngồi cạnh cửa sổ, không vướng cánh để còn ngắm cảnh. Đáp lại là cái liếc mắt tinh nghịch rồi nhoẻn cười. Biết thừa cô gái Hồi giáo xinh đẹp chọc quê. Tôi  mặc kệ!

Máy bay lại từ biển thẳng hướng Mũi Cà Mau, lại hạ thấp độ cao để tôi lần nữa ngắm nhìn cái móc thò ra níu giữ chân người hôm nào. Lần này cái móc trông tựa ngón trỏ của người khổng lồ đang co lại để chơi trò ngoéo tay con trẻ. Ngoéo tay là hứa hẹn, là cam kết một điều gì đó, vừa đùa bỡn, vừa thiêng liêng, không thể tách rời, không thể cách xa. Đấy chính là quê hương?!/.