Chiều 17/5, thông tin về kết quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) Thành phố Hà Nội 5 tháng đầu năm nay, ông Hoàng Đức Hạnh- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Hà Nội hiện có 59.109 cơ sở thực phẩm, 6 cơ sở giết mổ, gia súc gia cầm công nghiệp (3 cơ sở đang hoạt động); 7 cơ sở giết mổ bán công nghiệp; 4 cơ sở giết mổ thủ công; khoảng 2.490 điểm, hộ giết mổ nhỏ, lẻ thủ công. Có 412 chợ phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 90 siêu thị, 20 trung tâm thương mại.Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin công tác an toàn thực phẩm.
Bên cạnh việc xây dựng và triển khai các chương trình, đề án bảo đảm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về an toàn thực phẩm, thành phố cũng chỉ đạo xây dựng danh mục, danh sách các cơ sở, cửa hàng, siêu thị có sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn thực phẩm công khai trên trang thông điện tử của Sở Công thương. Sở NN-PTNT xây dựng danh mục 225 cơ sở rau thịt an toàn có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đưa lên website của Sở…
Đặc biệt, công tác thanh kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm, xử lý các cơ sở vi phạm được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Tổng số đoàn thanh tra, kiểm tra 766 đoàn. Kiểm tra 49.000 cơ sở, phát hiện 7.872 cơ sở vi phạm ATTP, xử lý 6.227 cơ sở, trong đó phạt tiền 2.736 cơ sở với số tiền hơn 3,3 tỷ đồng và tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo ATTP.
Qua kiểm nghiệm, giám sát và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm phòng chống ngộ độc thực phẩm, 775 mẫu thực phẩm đã được gửi đi xét nghiệm, phát hiện 49 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh vật, hóa học. Xét nghiệm nhanh đạt 107.574 mẫu đạt 90,1%.
Ông Nguyễn Đắc Lộc cho biết đang tham vấn Bộ Y tế xử lý xúc xích Viet foods. |
Sở Y tế cũng đã triển khai thí điểm xác nhận sản phẩm an toàn, cấp 5 giấy xác nhận sản phẩm an toàn cho 8 cửa hàng kinh doanh thuộc 6 chuỗi rau thịt. Lấy 28 mẫu rau, thịt kiểm nghiệm duy trì hàng tháng tại 8 cơ sở bày bán sản phẩm rau an toàn đã được cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn.
Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện cơ quan chức năng đang trình UBND thành phố quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra an toàn thực phẩm đến hết năm nay, trong đó 3 Sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp sẽ công khai số điện thoại đường dây nóng nếu lĩnh vực thuộc quận huyện nào thì sẽ có đoàn thanh tra xuống ngay trên tinh thần kiểm tra phản ứng nhanh để giải quyết phối hợp cùng các quận, huyện, trong trường hợp vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo Thành phố xử lý.
Liên quan đến việc nước đóng chai, đóng bình không đạt chất lượng tiêu chuẩn, ông Hạnh cho biết hiện thành phố có khoảng 400 cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra một loạt các cơ sở vừa qua đã phát hiện một số cơ sở vi phạm đã xử lý theo quy định và công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với sản nước giải khát đóng chai C2, Rồng Đỏ, ông Hạnh cho hay theo chỉ đạo của Cục an toàn thực phẩm, Chi Cục an toàn thực phẩm Hà Nội đã mua 5 mẫu nước C2 và 5 mẫu nước Rồng Đỏ ở địa bàn 5 quận, 1 huyện. đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm của Viện dinh dưỡng Quốc gia cho thấy 10 mẫu hàm lượng chì nằm trong giới hạn cho phép căn cứ theo quy chuẩn 622010/PT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản đồ uống không cồn. “Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể khẳng định tất cả các sản phẩm này trên thị trường như thế nào!”, ông Hạnh nói.
Liên quan đến việc xử lý sản phẩm xúc xích Vietfoods, ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương Hà Nội) khẳng định quy trình kiểm tra kiểm soát của Đội quản lý thị trường số 14 là đúng pháp luật. Hiện số xúc xích trên đang được bảo quản tạm giữa ngay tại 2 cửa hàng kinh doanh sản phẩm này để chờ kết quả này. Chúng tôi cũng có văn bản đề nghị Bộ Y tế tham vấn công tác xử lý, đặc biệt danh mục của chất bảo quản 251 cũng như các chất khác liên quan đến sản phẩm xúc xích của Vietfoods để làm cơ sở xử lý khi có kết quả xử lý sẽ có thông tin đến cơ quan báo chí.
Ông Trần Mạnh Giang việc quản lý nhà nước dư lượng thuốc BVTV trên rau đã giảm tích cực. |
Theo ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN – PTNT Hà Nội) thực hiện đề án rau an toàn năm 2009-2015 đã xây dựng được 5.250 ha rau các loại thuộc 176 vùng rau an toàn. Chỉ số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật các mẫu rau lấy kiểm tra hàng năm đều giảm từ trên 10% xuống còn 3,5%, khẳng định quản lý nhà nước về rau các vùng, đặc biệt ở các vùng được chứng nhận rau an toàn. “Trước đây, thành phố có hỗ trợ điểm bán hàng rau an toàn thời điểm cao nhất là 178 cửa hàng nhưng sau khi rà soát lại thấy không có cơ sở pháp lý từ đó dừng lại, còn đối với siêu thị thì không có chính sách này”, ông Giang cho biết./.