Không thể phủ nhận sự tiện lợi, giá thành rẻ, chỉ 140 đồng/đôi của đũa sử dụng một lần. Vì lẽ đó, loại đũa này được sử dụng tràn lan ở các quán ăn bình dân, nhà hàng vừa và nhỏ. Nhưng, nhiều người sẽ phải giật mình khi được chứng kiến công nghệ sản xuất loại đũa tiện lợi này và thêm một nỗi lo cho người dân đang hàng ngày ngập chìm trong các loại thực phẩm độc hại.
Có hàng ngàn đôi đũa tre ngâm tẩm, xử lý bằng lưu huỳnh và hóa chất Trung Quốc được cơ sở sản xuất đũa tre sử dụng một lần của ông Cao Anh Khoa ở bản Cây Me, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cung cấp cho thị trường thành phố Vinh và thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày...
Đũa dùng một lần thường được làm từ loại tre kém chất lượng, tre non, tre tồn dư, khả năng chịu ẩm mốc rất kém.... Vì vậy, cách chống ẩm mốc cho đũa sử dụng một lần của cơ sở này đó là tẩm lưu huỳnh.
Bất ngờ kiểm tra, không chỉ bắt quả tang cơ sở này dùng lưu huỳnh để xử lý đũa, lực lượng cảnh sát môi trường công an Nghệ An còn phát hiện và thu giữ được hơn 9,1 tấn “hóa chất lạ” được đựng trong các bao xác rắn có in chữ Trung Quốc. Chưa kể, tất cả các quy trình sản xuất tại đây đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Công nhân không đeo găng tay, bảo hộ, sản phẩm được đặt ngay giữa nền đất trong quá trình đóng gói.
Thiếu tá Trần Văn Hùng- Đội trưởng Đội 2 PC 49 Công an Nghệ An cho biết: "qua quá trình trinh sát đã phát hiện cơ sở này sử dụng hóa chất của Trung Quốc để sử dụng vào việc làm nguyên liệu trong quá trình đánh bóng, ngâm tẩm chống mốc. Trong quá trình kiểm tra trên các sản phẩm có chữ của nước ngoài, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ nguồn gốc của các chất phụ gia này".
Do đũa được sử dụng trực tiếp, không qua bất kỳ khâu tẩy rửa nào nên nguy cơ hấp thụ hóa chất tồn dư trên đũa rất cao. Sản phẩm giết người một cách từ từ này, đang được lưu thông và bày bán một cách công khai nhưng không có bất cứ một cơ quan chức năng nào để mắt đến. Vậy là, chính người Việt đang giết chết giống nòi của mình chứ không phải bất kì ai khác. Lòng tham đã khiến nhiều người giẫm đạp lên đạo đức, lên sự sống của cả cộng đồng.
Điều đáng nói là dù hoạt động đã 3 năm nay, thế nhưng chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng vẫn không hề biết đến sai phạm của cơ sở sản xuất đũa tre Anh Khoa.
Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, Nghệ An nói: "Trách nhiệm của chúng tôi, chủ quan không kiểm tra khâu an toàn thực phẩm của chính quyền cấp huyện, cấp xã các phòng chuyên môn. Sau này khi có kết quả chính thức ngoài việc xử lý đối với chủ doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ xem xét trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân...".
Buông lỏng quản lý, phó mặc, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau... chính tình trạng có quá nhiều đơn vị cùng chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm đã khiến trách nhiệm cuối cùng không thuộc về ai?
Hậu quả thì người dân phải gánh chịu. Đã đến lúc cần mổ xẻ thật nghiêm túc nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, yếu kém này để có những chấn chỉnh kịp thời. Đây cũng là việc làm cấp bách để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng./.