Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 01 về việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với các chất cấm trong chăn nuôi. Đặc biệt, ngày 1/7 tới đây, Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung có hiệu lực sẽ xử phạt nặng bằng tiền và xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Những quy định mới này, sẽ tác động như thế nào đối với ngành chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai - nơi có đàn heo lớn nhất cả nước với gần 1,7 triệu con?
Trại chăn nuôi của anh Trần Văn Hùng ở xã Long Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có 25 heo nái và 150 heo thịt. Lâu nay, anh Hùng sử dụng nguyên liệu đã sơ chế trộn cho heo ăn để giảm chi phí so với thức ăn thành phẩm, những nguyên liệu này được mua của công ty có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng.
Anh Hùng nhận thức, nếu đàn heo có sử dụng chất cấm theo quy định sẽ bị tiêu hủy và sắp tới khi Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, thì hành vi này sẽ bị phạt tiền nặng và xử lý hình sự. Là người chăn nuôi, anh Hùng ủng hộ quy định này để kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm phát triển chăn nuôi bền vững.
“Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là về lâu dài nên tôi đồng ý với cơ quan chức năng nên xử lý thật nặng hành vi này”- anh Hùng nói.
|
Tỉnh Đồng Nai có 1.540 trại nuôi heo, nhưng không phải ai cũng có nhận thức như anh Hùng. Chính vì vậy, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã tăng cường tuyên truyền và tổ chức cho 300 chủ trại heo ký cam kết không sử dụng chất cấm. Một số thương lái cũng tự mua thiết bị test nhanh để tự kiểm tra xem heo có dính chất tạo nạo hay không.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết:“Người chăn nuôi cho ăn thức ăn tự trộn và premix của một số công ty sản xuất nhỏ cũng mua test nhanh này về kiểm tra. Nếu ngành Thú y đến kiểm tra, test dương tính thì thì tội của người chăn nuôi rất nặng”.
Ngành Thú y tỉnh Đồng Nai cũng tăng cường lấy mẫu kiểm tra ở các trại heo sắp xuất chuồng để kiềm soát tình trạng vi phạm chất cấm trong chăn nuôi. Lãnh đạo Chi cục thú y Đồng Nai cho biết: Trước đây, gửi mẫu xét nghiệm từ 5 đến 7 ngày mới có kết quả thì hiện nay việc test nhanh chỉ mất 5 phút và chi phí không đáng kể vì vậy mà ngành thú y có thể tăng tần suất kiểm tra. Nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, để xử lý triệt để việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Chi cục Thú y tỉnh đang kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho việc lấy mẫu nước tiểu test nhanh trước khi cho heo xuất chuồng. Các trang trại sẽ trả phí dịch vụ công cho công việc này. Khi kiểm tra kết quả âm tính với chất cấm thì ngành thú y mới làm giấy xuất chuồng. Còn dương tính thì giữ heo lại kiểm tra định lượng.
Trước đây, việc cấp giấy xuất chuồng không yêu cầu việc này, chính vì vậy, mà heo có sử dụng chất cấm vẫn dễ dàng đi trót lọt qua các trạm kiểm dịch thú y. Đây cũng là lỗ hỏng lớn lâu nay của ngành nông nghiệp trong quy định kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi.
Sắp tới theo quy định của Luật Hình sự người mua, bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây sẽ là chế tài mạnh để xử lý những hành vi này và nó sẽ có sức răn đe rất lớn.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi Cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho rằng:“Luật Hình sự có hiệu lực cơ quan kiểm tra chuyên môn kiểm tra phát hiện có sử dụng chất cấm sẽ chuyển hồ sơ cho công an thực hiện các bước theo quy định của luật hình sự. Đây là biện pháp, tôi nghĩ sẽ kiểm soát được chất cấm trong chăn nuôi hiện nay”.
Pháp luật đã quy định rõ việc xử lý hình sự những kẻ cố tình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Thương lái và người nuôi heo ở Đồng Nai cũng đang dần nâng cao ý thức về sản phẩm an toàn. Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và chính nguyền địa phương, hy vọng tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo sẽ được chấm dứt, giúp người tiêu dùng an tâm với thực phẩm sạch./.