Sau loạt bài phản ánh của Báo điện tử VOV về nguy cơ ô nhiễm môi trường tại hồ chứa nước Ngàn Trươi ở huyện Vũ Quang tỉnh Hà Tĩnh, các bên liên quan đã và đang tập trung vào cuộc để xử lý.

Ngày 11/4, phóng viên tiếp tục có mặt tại hồ chứa nước Ngàn Trươi và chứng kiến có 2 chiếc xà lan cỡ lớn đang trục vớt gỗ, thảm thực bì đưa vào bờ. Còn bên sườn núi là từng tốp người đang hì hục cưa xẻ, bốc vác, thu gom gỗ và nhóm lửa đốt thành tro bụi.

vov_20170411_103947_segl.jpg
Hiện trường trục vớt gỗ, tre nứa tại lòng hồ chứa nước Ngàn Trươi.
Lòng hồ Ngàn Trươi bên núi cao, bên vực sâu nên nguy cơ mất an toàn lao động là rất dễ xẩy ra. Nhưng tại hiện trường những nhân công được thuê trục vớt, thu dọn gỗ lại không hề được trang bị các phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động, áo phao, phao cứu sinh.

Qua tìm hiểu được biết, hầu hết những nhân công này là người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, vùng sâu của tỉnh Nghệ An được Xí nghiệp 852- Công ty xây dựng 185 thuộc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn thuê về bốc vác, thu dọn gỗ và xử lý môi trường. Những người này có sức khoẻ dẻo dai, khả năng chịu đựng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhưng lại thiếu hiểu biết về an toàn lao động nên chỉ cần một sơ suất nhỏ là rất khó đảm bảo an toàn về tính mạng.

Hiện tại nước lòng hồ Ngàn Trươi đã dâng lên ở cao trình 25 mét. Theo phản ánh của người dân địa phương, ngoài khối lượng rất lớn thân cây gỗ, tre nứa, thảm thực bì nổi trên mặt nước, tại nhiều vùng cây cối vẫn chưa được sẽ phát, thu dọn nay đã bị nước nhấn chìm. Vì vậy dù có trục vớt, xử lý trên mặt hồ thì nước trong hồ Ngàn Trươi vẫn rất khó sạch.   

Trao đổi với phóng viên, một vị cán bộ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh nay đã nghỉ hưu cho biết, về nguyên tắc là phải xử lý sạch lòng hồ Ngàn Trươi theo đúng quy trình sau đó mới cho tích nước. Bởi lẽ ngoài cây gỗ, thảm thực bì sau khi chặt hạ còn có một lượng lớn rễ cây rất dễ phân huỷ, gây ô nhiễm môi trường khi ngập nước. Đó là chưa kể đến nếu gỗ không được vớt sạch, sau này gặp mưa lũ sẽ trôi về hầm tuynel tràn xã lũ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hồ chứa.

Tại buổi làm việc với chủ đầu tư, ông Nguyễn Hải Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình Bộ NN&PTNT, kiêm Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 4 (Ban 4) cho biết, quan điểm của Ban 4 là thực hiện đúng nhiệm vụ của Nhà nước, luôn chú trọng tiến độ, chất lượng công trình hồ chứa nước Ngàn Trươi, tuân thủ nghiêm ngặt công tác bảo vệ môi trường, tránh thất thoát, lãng phí tiền đầu tư.

“Trước Ban 4 đang yêu cầu đơn vị nhận thầu (Xí nghiệp 852- Công ty xây dựng 185 thuộc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn) phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong việc thu dọn, xử lý làm sạch lòng hồ Ngàn Trươi, việc này được giám sát chặt chẽ. Sau đó Ban 4 sẽ nghiệm thu, báo cáo cụ thể với các bên liên quan, nếu chưa đạt quy trình và yêu cầu kỹ thuật sẽ buộc nhà thầu phải làm lại”, ông Thanh nói.  

Quan điểm của lãnh đạo Ban 4 là vậy, nhưng điều nghịch lý là tại buổi làm việc với ông Đoàn Thanh Lâm - người được giao trực tiếp giám sát hiện trường hồ chứa nước Ngàn Trươi của Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 4 thì phóng viên lại nhận được những câu trả lời vòng vo, thiếu thuyết phục.

Nhân công làm việc ở địa hình phức tạp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động.
Ông Lâm biện bạch cho rằng: "Hiện tại tôi cũng chưa nắm được tiến độ thu gom, xử lý nguy cơ ô nhiễm môi trường tại hồ chứa nước Ngàn Trươi. Nếu các anh muốn nắm thông tin về tiến độ, quy trình xử lý tôi sẽ liên hệ với anh Đôn người trực tiếp chỉ huy của Xí nghiệp 852 để trao đổi cụ thể hơn". Tuy nhiên, sau một vài cuộc điện thoại, ông Lâm cho biết, anh Đôn từ chối không gặp và không cung cấp thông tin cho báo chí.

Thu dọn, xử lý thân cây gỗ, tre nứa, rác rưởi nổi dập dềnh tại hồ chứa nước Ngàn Trươi là việc làm hết sức khẩn trương, cấp bách nhằm tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Vậy nhưng thực tế người được Ban 4 giao trực tiếp giám sát hiện trường lại mập mờ, đùn đẩy trách nhiệm cung cấp thông tin, còn đơn vị nhận thầu lại né tránh báo chí. Vậy chủ đầu tư bất lực hay cố tình bao che cho đơn vị nhận thầu để đôi bên cùng có lợi? Câu trả lời xin nhường lại cho các cấp, các ngành liên quan./.