Những ngày qua, trên địa bàn xã Tăng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) có một số người dân được thuê đi thu mua cau trên địa bàn. Những người này đến trực tiếp từng nhà dân có trồng cau rồi thu mua lại với giá khá cao. Điều làm cho mọi người tò mò là hầu hết họ chỉ mua cau đang non.

vov_cau_non_birl.jpg
Cau non được thu mua trên địa bàn.
Không chỉ riêng ở địa bàn huyện Yên Thành, để mua được nhiều cau, hàng ngày những nhóm người này mở rộng vùng “săn cau” sang các địa bàn như: huyện Tân Kỳ, Đô Lương, Diễn Châu… họ đến tận từng gốc cau để trực tiếp mua của những người dân.

Theo tìm hiểu được biết, số cau thu mua được chuyển về tập kết tại một số lò sấy trên địa bàn huyện Yên Thành, Nghệ An. Sau đó chủ lò sấy lựa chọn rồi sấy khô bán cho thương lái ở Trung Quốc để kiếm lời.

Một hộ dân trồng cau tại địa bàn huyện Yên Thành thấy nhóm người mua cau non giá cao nên lựa một số buồng cau trong vườn bán cho họ. Nhóm người này “tuyển” cau khá kỹ, quả nào đã già là không mua nữa.

Tại một lò sấy trên địa bàn xã Tăng Thành, huyện Yên Yên Thành, theo ghi nhận hàng ngày có cả tấn cau non được ông chủ ở đây mua lại sau đó tự sấy tại nhà. Theo ông chủ ở đây là khi mua cau phải chọn lựa một cách kĩ càng. Cau phải đạt độ non nhất định, ở đây chỉ mua cau non còn những loại cau vỏ đã vàng hay hạt đông đặc thì không mua.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá cau được thu mua giao động  từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Cau sau khi được sấy khô thì được “xuất ngoại” với giá 120.000 đồng/kg.

Cau vỏ đã vàng hay hạt đông đặc thì thương lái không mua.
Vì giá cau non được thu mua khá cao nên nhiều người đã hái hầu hết toàn bộ số cau đang có trên cây để bán cho thương lái.

Một ông chủ lò sấy khác đóng tại xã Tăng Thành, huyện Yên Thành chia sẻ: Năm nay nhu cầu thị trường Trung Quốc đang rất cần cau non vì vậy đã đẩy giá cau nội địa tăng đột biến. Mỗi ngày lò của ông sấy được 3 tấn cau tươi, tương đương 500 kg cau khô.

Ông cũng không rõ thương lái Trung Quốc mua cau non sấy để làm gì.

Để mua được nhiều cau, ông chủ này đã thuê khoảng 10 nhân công hàng ngày ngoài thu mua trên địa bàn còn phải đi xa trên các địa bàn nữa để thu mua cho được nhiều.

Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết thêm, địa phương hiện có khá nhiều xã trồng cau, nhưng người dân chủ yếu có truyền thống trồng cau để ăn trầu, bán trong dịp lễ tết, hay thắp hương. Việc có người thu mua câu non là điều ít thấy. Phòng nông nghiệp huyện sẽ kiểm tra vì việc này sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn cau trong tương lai./.