Năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định giao 10 tỷ đồng để thực hiện phương án thí điểm giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Thường Xuân. Sau gần 8 năm triển khai thực hiện, về cơ bản rừng ở Thường Xuân đã được giữ, đời sống người dân từng bước nâng lên, xóa đói, giảm nghèo.

Như lời ông Đỗ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa: Giao đất, giao rừng giúp cho người dân chủ động trong việc bảo vệ, phát triển kinh tế từ rừng.

vov_1_a_FBZV.jpg
Từ khi giao đất, giao rừng huyện Thường Xuân đã giảm được hộ nghèo.

"Đây là chính sách đi vào lòng dân tạo cơ hội cho huyện Thường Xuân xóa đói giảm nghèo. Trước đây Thường Xuân có tới 52% hộ nghèo, sau gần 10 năm số hộ nghèo chỉ còn 4,3%. Đây là kỳ tích lớn trong đó có tác động từ chính sách giao đất giao rừng cho người dân", ông Hoan cho hay.

Xã Yên Nhân là địa phương sớm triển khai thí điểm giao đất, giao rừng cho người dân ở huyện Thường Xuân. Là nơi có địa hình đồi núi dốc, diện tích rừng chiếm trên 80%, đất trồng trọt ít, nên người dân sinh sống, làm ăn vẫn trông cả vào rừng. Trước đây, nơi này là điểm nóng về nạn chặt phá rừng, nhưng từ khi rừng đã có chủ, được giao cho người dân quản lý, vi phạm giảm hẳn, việc đốt nương làm rẫy cũng không còn. Như nhiều gia đình ở thôn Na Ngựu, xã Yên Nhân, anh Vi Văn Tấn và chị Vi Thị Hường, mong muốn.

"Đối với các khu đất trống đồi trọc người dân trồng khép kín chính phủ cũng đã hỗ trợ gạo 15kg/tháng/khẩu. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ thêm tiền bảo vệ rừng cũng như được phép trồng cây phát triển kinh tế tại rừng nghèo kiệt …Muốn cấp chính quyền địa phương có kế hoạch trồng cây dược liệu dưới tán rừng để nâng cao đời sống của bà con", anh Vi Văn Tấn chia sẻ.

Ông Vũ Văn Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa.

Huyện Thường Xuân đã thí điểm giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho gần 2.500 hộ gia đình, cộng đồng dân cư, tổ chức xã hội. Việc này đã giải quyết nhiều vướng mắc trong dân trước kia. Trường hợp người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi muốn giao rừng cho con cháu, hay chia tách đất lâm nghiệp, mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có lý do) sẽ được giải quyết…

Khi rừng thực sự có chủ, ý thức được vai trò làm chủ của các hộ gia đình trên diện tích rừng và đất lâm nghiệp được nâng cao. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư lao động, tiền vốn vào trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, bước đầu đã có thu nhập ổn định từ nghề rừng, gắn trách nhiệm trong quản lý bảo vệ, hạn chế thấp nhất khai thác rừng trái phép, phá rừng làm nương gây cháy rừng ... Qua đó, cũng giúp chính quyền địa phương, các cấp, các ngành quản lý tốt hơn rừng và đất lâm nghiệp, nắm được trạng thái, trữ lượng, loại rừng, giá trị rừng làm cơ sở pháp lý để thực hiện chính sách. Đồng thời đã giúp áp dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu trên các phần mềm quản lý rừng.

Ông Phạm Thăng Long, Hạt Trưởng hạt kiểm lâm Thường Xuân, đánh giá, việc giao rừng, thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp giúp địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững. 

"Sau khi giao đất giao rừng thì chủ rừng biết có bao nhiêu cây từ đó xác định được rừng phát sinh sau này để có cơ chế hưởng lợi. Chủ rừng biết được mình có bao nhiêu cây rừng sẽ nâng cao trách nhiệm bảo vệ", ông Long cho hay.

Hiện nay Thanh Hóa có gần 650.000 ha đất rừng và đất lâm nghiệp. Muốn giao đất, giao rừng cho các hộ dân quản lý thì phải thực hiện kiểm đếm rừng. Ước tính kinh phí để kiểm đếm rừng toàn tỉnh Thanh Hóa lên tới gần 300 tỷ đồng.

Ông Vũ Văn Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Diện tích rừng lớn trong quá trình điều tra xem xét tài nguyên rừng không thực hiện được vì không có kinh phí. Việc thực hiện mới chỉ dừng ở thí điểm…về mặt chuyên môn thì thực hiện được, nhưng chỉ thiếu kinh phí".

Giao rừng, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng là một chủ trương đúng. Khi rừng có chủ thực sự sẽ góp phần bảo vệ và phát triển bền vững, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, xóa đói, giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, cũng giúp các cấp, các ngành thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp hiệu quả hơn./.