Sau một số vụ tai nạn giao thông xe ôtô khách rơi xuống vực ở đèo Hải Vân, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm việc với các cơ quan chức năng để nghiên cứu phân luồng giao thông, hạn chế xe khách tuyến cố định đường dài, xe khách giường nằm 2 tầng lên đèo Hải Vân. Các phương tiện này sẽ phải chuyển sang lưu thông qua hầm đường bộ Hải Vân.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, đèo Hải Vân có chiều dài 19,3km từ Km894+800-Km914+100 Quốc lộ 1 (đường cấp 3 miền núi) là đoạn đường đèo nguy hiểm, địa hình một bên là núi cao, một bên là vực sâu và nhiều đường cong bán kính nhỏ, nhiều đoạn dốc dọc lớn lên đến 12% và đặc biệt đèo Hải Vân có nhiều khúc cua tay áo rất nguy hiểm. Đây cũng là điểm đến thu hút nhiều khách tham quan, chụp ảnh trên đèo (không đi qua hầm đường bộ Hải Vân).
Hơn nữa, từ đỉnh đèo đi về hai hướng Bắc, Nam xuống dốc liên tục, nếu lái xe không có kinh nghiệm, xuống dốc với số cao, thường xuyên đạp phanh sẽ khiến cho má phanh bị nóng, cháy, mất tác dụng hãm xe.
Để đảm bảo việc tăng cường an toàn giao thông trên đèo Hải Vân, Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận khảo sát, thiết kế xây dựng thêm một số đường lánh nạn theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể tại vị trí phù hợp (hiện nay mới có 8 đường lánh nạn trên tổng số 19,3km đường đèo); xây dựng bổ sung các điểm dừng xe kiểm tra kỹ thuật tại các vị trí phù hợp trên đèo, kết hợp tuyên truyền an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT làm việc với các cơ quan chức năng để nghiên cứu phân luồng giao thông, hạn chế xe khách tuyến cố định đường dài, xe khách giường nằm 2 tầng lên đèo (chuyển sang lưu thông qua hầm đường bộ Hải Vân).
“Đèo Hải Vân cũng sẽ được bổ sung báo hiệu đường bộ như biển báo, biển “Dốc dài nguy hiểm - Đi số thấp”, đinh phản quang, cụm gờ giảm tốc rải đều; thay thế, tăng cường tường hộ lan đá xây và tôn sóng 1 tầng bằng hộ lan 2 tầng có tăng cường giằng móng bê tông cốt thép, kết hợp bổ sung tường giảm chấn bằng lốp xe cũ các vị trí nguy hiểm phía taluy âm; trồng cây (keo tai tượng) trên taluy âm để ngăn xe lao xuống vực khi có tai nạn xảy ra và tạo cảnh quang môi trường”, văn bản của Tổng cục ĐBVN nêu rõ.
Do toàn bộ hầm đường bộ và đoạn Quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân được bàn giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả quản lý, vận hành và bảo trì kể từ ngày 1/1/2016 để thi công dự án mở rộng hầm Hải Vân (đoạn tuyến này đang trong giai đoạn triển khai đầu tư xây dựng, không thuộc thẩm quyền quản lý, bảo trì trực tiếp của Tổng cục Đường bộ) vì thế, Tổng cục kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Công ty Đèo Cả triển khai các biện pháp trên để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến. Chi phí thực hiện được tính bổ sung vào phương án tài chính của dự án BOT.
Trước đó, vào ngày 8/1, tại km 898+200 khu vực đèo Hải Vân, xe ôtô khách biển kiểm soát 51B-22930 chở đoàn 23 học sinh một trường cao đẳng ở Kiên Giang đi thực tế, lưu thông theo hướng Nam-Bắc khi đến vị trí cách đỉnh đèo Hải Vân khoảng 3km phía huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế thì bị nạn, rơi xuống vực cách vị trí mặt đường khoảng 20m. Hậu quả của vụ tai nạn làm 1 người chết, 20 người bị thương./.
Vụ lật xe trên đèo Hải Vân: Nối cánh tay nạn nhân bị đứt lìa
Nguyên nhân ban đầu vụ xe khách lao xuống vực đèo Hải Vân
Hiện trường vụ xe khách chở 23 người lao xuống vực trên đèo Hải Vân