Thực tế sân bóng Thịnh Liệt thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai có diện tích khoảng 6.000m2 rộng gấp 4 lần trường học, có đường ranh giới riêng.
Báo cáo 209/BC-UBND ngày 28/11/2013 của UBND phường Thịnh Liệt về nguồn gốc và hiện trạng sử dụng đất đã gộp cả trưởng Tiểu học và sân bóng thành 1 ô quy hoạch (B6/TH2) là không đúng bản chất.
Trẻ em tranh thủ chơi trên sân bóng bị chính quyền cưỡng chế quây tôn. |
Dân và chính quyền “đọc” quy hoạch khác nhau
Theo bản đồ quy hoạch quận Hoàng Mai kèm theo Quyết định 225/2005/QĐ –UB của UBND thành phố Hà Nội, ô B6/TH2 gồm một nửa trường tiểu học cũ và sân vận động. Tại bản đồ phân khu đô thị H2-4 được phê duyệt năm 2015 ô quy hoạch này có ký hiệu B2/TH2.
Tuy nhiên, người dân cho rằng, bản đồ phân khu quy hoạch H2-4 ô B2/TH2 có chức năng xây dựng trường tiểu học.
Theo người dân, năm 2005, thành phố quy hoạch ô B2/TH2 là thiếu sát thực vì trước đó năm 2000 đã có dự án mở rộng trường tiểu học ra hết sân bóng, người dân đã không đồng tình dự án phải dừng.
Trả lời Phóng viên VOV.VN về việc lựa chọn vị trí sân bóng Thịnh Liệt ô B6/TH2 thuộc ô quy hoạch B2/TH2 (theo định hướng đồ án quy hoạch phân khu đô thị H2-4) để xây dựng trường THCS Thịnh Liệt, ông Nguyễn Việt Đức - Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt khẳng định, việc xây trường THCS Thịnh Liệt được thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt rõ ràng cụ thể. “Đây là vị trí xây dựng trường THCS, các sở ngành cũng đã có ý kiến trả lời rõ ràng”, ông Đức cho biết.
Theo vị Phó Chủ tịch phường Thịnh Liệt, hiện tại ở đây đang có trường tiểu học, theo quy hoạch được các sở ngành thành phố phê duyệt cũng như quy hoạch của Sở Quy hoạch – Kiến Trúc cung cấp thông tin thì chắc chắn chỗ đó phải xây dựng trường THCS. Đây là một dự án của quận Hoàng Mai được phê duyệt nên tất cả đều thực hiện theo quy trình và quan trọng là đã được các sở, ngành của thành phố chấp thuận. Không phải muốn làm thế nào cũng được. Xây dựng trường mầm non là trường mầm non, trường tiểu học là trường tiểu học…
Ông Đức cũng xác nhận, thực tế trên bản đồ quy hoạch phân khu đô thị H2-4, vị trí các khu đất xây dựng trường học chỉ có ký hiệu ô đất xây dựng trường học mà không cụ thể xây dựng trường THCS hay tiểu học. “Tiểu học và trung học đều cùng ký hiệu là cùng một loại ký hiệu nhưng để có căn cứ cụ thể thì phải thông tin từ các sở ngành cung cấp. Mình không thể khẳng định chỗ này là xây trường tiểu học chỗ kia xây trường trung học”.
Trên địa bàn phường có 30 vạn dân, tổng số học sinh trong độ tuổi học THCS là 1.200 em. Trường học hiện tại các cháu học đang nhờ của trường mầm non trước đây xuống cấp dột nát, ngập úng khi có mưa. Nhu cầu xây trường là rất cần thiết.
Về quy hoạch đất xây trường học, người dân nêu, trong khi quy hoạch dự án Khu đô thị Ao Sào tỷ lệ 1/500 có dành ô để xây trường THCS lại không được chính quyền triển khai xây dựng mà lại lựa chọn ô B2/TH2 xây trường học, trong khi ô này theo quy hoạch H2-4 tỷ lệ 1/2000.
Sân bóng và trường tiểu học nay là trường mẫu giáo cách nhau 1 con đường. |
Theo Quyết định 229/QĐ-UBND ngày 12/12/2006 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch khu chức năng đô thị Ao Sào, đất xây dựng trường THCS (ký hiệu TH) diện tích khoảng 10.668m2. Nhưng ông Nguyễn Việt Đức lại cho rằng, dự án Ao Sào có chức năng hỗn hợp phục vụ nhu cầu của cư dân. Quy mô phần đất xây dựng trường học chỉ phục vụ mật độ, số dân cư trong đô thị. Sau đó mới xem xét đến các cư dân xung quanh. Ô quy hoạch (B6/TH2 –B2/TH2) diện tích hơn 9.000m2 mới đảm bảo xây trường, đáp ứng đủ nhu cầu hiện tại còn ô đất Ao Sào thì lại nhỏ so với nhu cầu.
Người dân cũng đặt câu hỏi tại sao tại văn bản số 792/UBND-TNMT ngày 9/5/2016 về việc thu hồi đất để thực hiện công tác GPMB dự án xây dựng trường THCS Thịnh Liệt, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai của UBND quận Hoàng Mai báo cáo Sở Tài Nguyên – Môi trường lại “nhầm lẫn” địa chỉ GPMB của sân bóng thuộc Tổ 36 Giáp Nhị trên thực tế phường Thịnh Liệt không có tổ này.
Chính quyền khẳng định trách nhiệm về việc cung cấp nguồn gốc đất
Liên quan đến việc người dân góp đất từ năm 1956 hình thành nên sân bóng đến nay, ông Đức cho biết vừa qua, quận Hoàng Mai có văn bản yêu cầu phường Thịnh Liệt tổng hợp các ý kiến của các hộ dân để báo cáo.
“Phía chính quyền phường cũng đã có văn bản gửi các hộ dân đề nghị cung cấp các giấy tờ pháp lý liên quan đến sử dụng đất trước đây. Nhưng ngược lại người dân lại không cung cấp được nội dung này”, ông Đức cho biết
Về quan điểm của phía chính quyền đối với nguồn gốc đất sân bóng đang có tranh chấp phía UBND phường không họp dân để lấy ý kiến. Ông Nguyễn Việt Đức cho biết, báo cáo 209 của UBND phường Thịnh Liệt, căn cứ vào hồ sơ pháp lý về địa chính phường đang lưu giữ, UBND phường có báo cáo UBND quận Hoàng Mai để xem xét việc đầu tư xây dựng trường.
Sân bóng là nơi sinh hoạt văn hóa thể thao của người dân sống tại đây. |
Phía UBND phường sau khi nhận được ý kiến của người dân, trực tiếp lãnh đạo quận các phòng ban đơn vị của quận Hoàng Mai xuống tiếp xúc làm việc với người dân. Tuy nhiên người dân không đồng tình bỏ về. “Hội nghị được tổ chức ở phường, sau khi người dân có ý kiến xong lãnh đạo trao đổi thì người dân bỏ về.
Tại hội nghị đó lãnh đạo phòng quận đã trao đổi rất rõ ràng về nguồn gốc đất, quy trình đầu tư, khẳng định quy trình đầu tư , quy hoạch đã được thành phố phê duyệt chấp thuận khẳng định vấn đề pháp lý. Hội nghị này chỉ trao đổi, làm rõ chứ không làm biên bản”, ông Đức nói.
Giải thích về lý do phía UBND phường Thịnh Liệt đưa ra cơ sở pháp lý nguồn gốc đất sân bóng căn cứ theo bản đồ địa chính 1995 mà không phải bản đồ năm 1960, ông Đức khẳng định, các vấn đề cung cấp thông tin liên quan đến đất là vấn đề nhạy cảm đòi hỏi tính chính xác.
Nếu chính quyền phường ra văn bản không chính xác chính quyền phường phải chịu trách nhiệm văn bản ban hành. Riêng về đất đai phải khẳng định chính xác nếu không chính xác căn cứ quy định pháp luật sẽ xử lý. “Không thể nói căn cứ của phường là không đủ cơ sở.
Căn cứ đủ cơ sở phường mới ra văn bản nếu như phường khẳng định phường làm sai phường chịu trách nhiệm. Việc căn cứ bản đồ, văn bản như thế nào là do bộ phận chuyên môn địa chính khẳng định việc đó là đúng cũng như chính quyền phường khẳng định là đúng”.
Ông Đức bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn cơ quan báo chí phản ánh thông tin mang tinh thần xây dựng và đúng đắn về dự án. Tránh mang thông tin không rõ ràng người dân sẽ hiểu sai lệch. Cả một hệ thống chính trị từ phường đến quận các phòng ban đơn vị vào cuộc đưa ra những quyết sách không bao giờ là quyết sách hồ đồ”.
Ở đây không phải tuyệt đại đa số người dân Giáp Tứ phản đối xây trường học thể hiện đợt bầu cử vừa qua, hầu như 100% người dân đi bầu cử. “Tôi biết rằng trước cuộc bầu cử rất nhiều “đối tượng” trong đó có cả đảng viên vận động người dân không đi bầu cử. Tuy nhiên công tác bầu cử thành công tốt cho nên khẳng định rằng đại đa số người dân đồng tình với việc xây trường”.
Một số người dân có ý kiến về sân bóng chúng tôi cũng có trao đổi kể cả họp phường, họp chi bộ đảng viên bí thư chi bộ trao đổi thông tin để quán triệt, ông Đức khẳng định.
Báo điện tử VOV.VN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này/.