Theo báo cáo của quận Hoàng Mai, Hà Nội để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai về việc cần thiết phải đầu tư xây dựng thêm các trường học trên địa bàn, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng quận Hoàng Mai đã ưu tiên thực hiện dự án xây dựng trường THCS Thịnh Liệt tại ô đất ký hiệu B6/TH2 (sân bóng làng Giáp Tứ).

Tuy nhiên, khi dự án đang triển khai thì một số người dân gửi đơn, thư đến lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.Hà Nội, các sở, ngành chức năng và báo chí để phản ứng việc xây dựng trường học tại khu vực này.

Vì đâu, một dự án đáp ứng nhu cầu thiết yếu, nguyện vọng cho nhân dân, cho sự nghiệp giáo dục lại bị chính người dân phản đối?

img_0076_ihwv.jpg
Dân treo băng rôn "Còn dân làng Giáp Tứ còn sân bóng".

Ông Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Đại tá quân đội, người làng Giáp Tứ) hiện đang ngụ tại tổ 34, phường Thịnh Liệt cho biết, xây dựng trường học là chủ trương đúng, thực tế phường Thịnh Liệt hiện đang thiếu trường THCS.

Trước đây, dự án xây dựng trường THCS Thịnh Liệt được quy hoạch xây dựng ở khu dân cư số 7 (thuộc Giáp Nhị).

Đáng lý ra, dự án đã được triển khai cách đây 7-8 năm. Tuy nhiên, mảnh đất có diện tích khoảng 9000m2 dự định làm dự án xây dựng trường học đã bị “xẻ thịt” để cấp 34 sổ đỏ, nên mới có sự điều chỉnh quy hoạch chuyển dự án về Giáp Tứ.

Ở Giáp Tứ, nếu không còn mảnh đất nào nữa thì người dân sẽ đồng tình, sẵn sàng “hy sinh vì giáo dục”, nhưng ông Ngọc cho rằng, trên địa bàn Giáp Tứ vẫn còn khu vực Ao Sào, khu đô thị mới Thịnh Liệt.

Ngoài ra, trên địa bàn phường con có trường THCS ở số 121 phố Nguyễn Chính không cải tạo nâng cấp mà bỏ hoang khoảng 6 năm nay.

Những nơi này, sao chính quyền địa phương không lựa chọn làm dự án trường học mà cứ nhất quyết phải là sân bóng làng Giáp Tứ đã tồn tại hơn 60 năm nay.

Ông Tâm cho biết, đất sân bóng có chủ sở hữu. Bản thân gia đình ông có hẳn giấy chứng nhận quyền sử dụng thời ông Trần Duy Hưng làm Chủ tịch TP.Hà Nội.

Điều khiến người dân Giáp Tứ bức xúc là, nếu lấy sân bóng để làm dự án xây dựng trường học thì theo luật đất đai phải lấy ý kiến của người dân vì sân bóng này là sở hữu tập thể của người dân làng Giáp Tứ (cũ). Sân bóng cũng có câu lạc bộ bóng đá quản lý hàng chục năm nay.

Ông Nguyễn Văn Thạch (SN 1959, phường Thịnh Liệt) vốn là bí thư chi bộ cho biết, các cuộc họp chính quyền địa phương ông thường được dự. Bản thân ông tại các cuộc họp đều có kiến nghị về việc lấy ý kiến dân để thu hồi sân bóng làm dự án trường học.

“Phải có công bố rõ ràng, nhưng họ không nghe. Do tôi phát biểu nhiều quá nên họ tìm cách kỷ luật”, ông Thạch trình bày.

Ông Đặng Minh Thụy (84 tuổi)– cựu Bí thư chi bộ, Phó Chủ tịch xã Đoàn Kết từ năm 1956 – 1960 (nay là phường Thịnh Liệt) cũng cho rằng, bản thân ông và người dân địa phương rất bất bình về việc cưỡng chế thu hồi sân bóng.

Dân góp ý, Đảng viên tích cực góp ý nhưng chính quyền địa phương không nghe. “Nguyện vọng của chúng tôi là chính quyền cần gặp dân để bàn”, ông Thùy nói.

Điều mà ông Nguyễn Cường Tâm (SN 1950, trú ở tổ 36, phường Thịnh Liệt) thấy nặng lòng nhất chính là vị Chủ tịch phường hiện nay ông Nguyễn Ngọc Hải. Ông Hải từng học ở trường cấp 1 (trường đối diện sân bóng), từng đá bóng ở sân này.

Ông Tâm cũng cho rằng, Chủ tịch phường hiện nay biết rõ nguồn gốc của sân bóng. Tuy nhiên, khi báo cáo lên quận, vị chủ tịch phường này lại khẳng định rằng thửa đất ở vị trí xây dựng trường THCS Thịnh Liệt có nguồn gốc do UBND xã Thịnh Liệt (nay là phường Thịnh Liệt) quản lý – đất công.

Người dân cho rằng, trường cấp 2 tại phố Nguyễn Chính đang bị bỏ hoang, không được nâng cấp.

Theo người dân, sân bóng Giáp Tứ hình thành dựa trên sự đóng góp của nhân dân, mỗi người dân đóng góp 10m đất để tạo nên sân bóng làm nơi sinh hoạt thể dục thể thao cho cả làng.

“Đất sân bóng 100% là do dân đóng góp, gia đình tôi còn vẫn còn giữ sổ đỏ thời ông Trần Duy Hưng làm Chủ tịch TP. Hà Nội cấp”, ông Tâm nói.

Theo ông Tâm, trước đây, khi Thịnh Liệt thuộc huyện Thanh Trì, huyện có chủ trương lấy đất của sân vận động để làm dự án. Huyện đã họp dân tại đình làng để trưng cầu ý dân.

Khi dân không đồng tình, Chủ tịch UBND huyện lúc bấy giờ là đã ra quyết định giữ nguyên sân bóng. “Việc không họp, lấy ý kiến dân trước khi cưỡng chế thu hồi sân bóng hiện nay thể hiện thái độ coi thường nhân dân”, ông Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, ngày 5/8/2015, dù chưa lấy ý kiến dân nhưng quận Hoàng Mai đã cho các lực lượng đến cưỡng chế. “Tờ mờ sáng, công an đứng đầy đường. Làng tôi có trộm cắp gì đâu mà đối xử với chúng tôi như thế”, ông Tâm bức xúc.

Theo ông Tâm, trước phản ứng của nhân dân, đến đầu tháng 5/2016, UBND quận Hoàng Mai mới tổ chức họp dân để tiếp thu kiến nghị.

Tuy nhiên, cách giải quyết của Chủ tịch quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu không được người dân đồng tình.

Cùng ngày hôm đó, một số người dân đã tháo gỡ một số tấm tôn xung quanh sân vận động để tiếp tục vào sinh hoạt thể thao. Người dân còn căng biểu ngữ ở sân vận động: “Còn dân làng Giáp Tứ, còn sân bóng”./.