Giảm giá vé cho hơn 10.000 phương tiện quanh trạm T2

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ, an ninh, trật tự ATGT tại trạm thu phí T2thuộc dự án cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ GTVT cho biết, dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

t2_gufb.jpg
Trạm thu phí BOT T2.

"Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND TP Cần Thơ kêu gọi đầu tư dự án. Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định và đang thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm thu phí T1 tại Km16+905 (2/4/2016) và trạm thu phí T2 tại Km50+050 (31/12/2016)", Bộ GTVT cho biết.

Tuy nhiên, sau khi cầu Vàm Cống hoàn thành đã hình thành một luồng phương tiện lưu thông hai chiều từ Đồng Tháp - An Giang qua trạm thu phí T2 với cự ly ngắn. Thời gian qua một số ý kiến phản ứng và đề nghị xử lý hoặc di dời trạm thu phí T2.

Phân tích cụ thể, Bộ GTVT cho biết, trong quá trình tổ chức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ trước đây cũng xảy ra phản ứng của một số tài xế tại trạm thu phí. Qua đánh giá, nguyên nhân chính là hình thức thu phí hở chưa đảm bảo tuyệt đối công bằng cho người sử dụng.

Hình thức thu hở có hạn chế là chỉ có thể công bằng một cách tương đối (người dân ở gần trạm thu phí hoặc những phương tiện lưu thông đi quãng đường ngắn nhưng vẫn phải trả tiền; trong khi đó những người đi quãng đường dài 50 - 70 km ở khoảng cách giữa hai trạm thu phí thì vẫn không phải trả).

"Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư đề xuất phương án xử lý các bất cập tại trạm thu phí dịch vụ. Đến nay, các bên thống nhất chấp thuận giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí dự án cho người sử dụng khu vực quanh trạm và các phương tiện lưu thông theo hướng từ tỉnh Kiên Giang (QL80) về tỉnh An Giang (QL91) và ngược lại (đến nay đã giảm trên 10.000 phương tiện)", Bộ GTVT thông tin và cho biết, hiện, nhà đầu tư đã dừng thu phí tại trạm T2.

Năm 2023 sẽ hoàn thành tuyến tránh Long Xuyên

Liên quan đến giải pháp để xử lý triệt để bất cập, tránh tranh chấp pháp lý, Bộ GTVT cho biết đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung tuyến tránh Long Xuyên bằng nguồn vốn vay ADB. Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã cho phép sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho dự án này.

Hiện các bộ đang thỏa thuận với nhà tài trợ trước khi trình điều chỉnh Hiệp định vay 3013-VIE dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông lên Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước chấp thuận.

"Dự kiến dự án tuyến tránh Long Xuyên sẽ hoàn thành năm 2023. Sau khi tuyến tránh Long Xuyên đầu tư và đưa vào sử dụng các phương tiện qua khu vực sẽ có sự lựa chọn, không phải qua trạm thu phí T2 và giải quyết triệt để các bất cập trạm T2 trên QL91", Bộ GTVT khẳng định.

Trước mắt, Bộ GTVT kiến nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, nhà đầu tư trong quá trình xây dựng và thống nhất phương án xử lý các bất cập tại trạm T2 đảm bảo giao thông thông suốt, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng, nhà đầu tư, ngân hàng cho vay vốn và các điều kiện về nguồn lực.

Các địa phương Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp tổ chức tuyên truyền người dân và các chủ phương tiện tham gia giao thông chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, hiện nay Bộ đang nghiên cứu 2 phương án để xử lý dứt điểm các bất cập tài xế phản ánh về vị trí đặt trạm thu phí BOT T2. Dù phương án nào cũng sẽ phải hài hoà lợi ích các bên, và không khiến khoản vay đầu tư dự án này trở thành nợ xấu ngân hàng.

Để xử lý dứt điểm bất cập hiện tại của trạm thu phí T2, Bộ GTVT đang cho tạm dừng thu phí, và đếm lưu lượng xe qua lại giữa An Giang – cầu Vàm Cống. Từ đó sẽ tính toán 2 phương án là miễn giảm phí, hoặc di dời trạm T2. Được biết, phương án 1 là mở rộng diện miễn giảm giá vé qua trạm T2 cho phương tiện của người dân khu vực An Giang, Đồng Tháp quanh trạm thu phí, với bán kính 8-10km (như đang áp dụng với phương tiện của người dân Cần Thơ).

Tuy nhiên, cần phải đếm lưu lượng xe, sau đó tính toán số phương tiện miễn giảm, mức giảm, sau khi giảm phương án tài chính dự án ra sao. Phương án 2, là có thể di dời trạm T2 lùi về phía cầu Vàm Cống khoảng 500m (để xe qua lại đoạn An Giang – cầu Vàm Cống không phải qua trạm thu phí T2). Việc này cũng phải tính toán về chi phí đầu tư di dời trạm, phương án tài chính của dự án, liệu mức thu phí có đủ trả tiền vay ngân hàng, thời gian thu phí điều chỉnh…

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 gồm hai hợp phần: hợp phần một là cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn km14-km50 dài khoảng 29 km; hợp phần 2 nhằm mở rộng và tăng cường nền, mặt quốc lộ 91B đoạn km0-km15 dài khoảng 15 km. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 1.720 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư dự án tạm tính sau quyết toán là 1.650 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang cho biết, tổng vốn đầu tư BOT Quốc lộ 91 trên 1.700 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.400 tỷ đồng là tiền vay ngân hàng. Hiện bình quân mỗi tháng dự án thu được khoảng 10 tỷ đồng, tiền trả lãi ngân hàng khoảng 10,5 tỷ đồng. Do đó, nhà đầu tư đã lỗ trên 100 tỷ đồng kể từ khi bắt đầu thu phí, cách đây gần 3 năm. 

“Chúng tôi đang kiến nghị Cần Thơ, Bộ GTVT nghiên cứu dùng ngân sách hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư để phương án tài chính dụ án không bị phá vỡ”, ông Khang cho biết./.