Đêm 11/3 (theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức công bố sự bùng phát của dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Với công bố này, WHO đã đưa Covid-19 vượt lên trên cả các dịch bệnh gây chết người như Ebola, Zika - những dịch bệnh này đều là trường hợp khẩn cấp quốc tế. Tại Việt Nam, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam vẫn đang khoanh vùng, kiểm soát được dịch bệnh này. PV VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Kidong Park - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam để trao đổi về câu chuyện này.

20200312_161802_boul.jpg
Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, ông Kidong Park trao đổi với phóng viên VOV.

PV:Thưa ông, Tổng giám đốc WHO đã công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, vậy chúng ta cần hiểu về điều này như thế nào?

Ông Kidong Park:
Ngày 11/3, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố dịch Covid-19 là "đại dịch toàn cầu". Chúng ta đã có hơn 118.000 ca bệnh ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, hơn 4.290 người đã tử vong.

WHO đã giám sát sự tiến triển của dịch Covid-19 kể từ khi ca đầu tiên được báo cáo từ ngày 31/12. Như Tổng Giám đốc WHO đã nói, trong 2 tuần qua, số lượng ca mắc Covid-19 đã tăng lên 13 và số nước và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng tăng lên 3 lần.

Trong thời gian tới, chúng ta vẫn có thể thấy sự gia tăng các ca bệnh, cũng như số lượng người chết. Thế giới đã nhìn nhận Covid-19 là một đại dịch.

PV: Với việc WHO công bố Covid-19 là đại dịch, thì theo ông những biện pháp hiện nay của Việt Nam có đáp ứng được phòng chống dịch bệnh?

Ông Kidong Park:
WHO nhận định tình hình hiện nay như là một đại dịch không phải chỉ vì mức độ lây lan, mà còn báo động về việc không hành động của một số nước. Việc tuyên bố này không có nghĩa là công tác ứng phó của Việt Nam cần phải thay đổi vì chúng tôi nhận thấy ngay từ đầu, chính phủ Việt Nam đã rất cảnh giác và có công tác chuẩn bị tốt, và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.

Theo đánh giá của tôi, những ứng phó của Việt Nam với dịch Covid-19 là rất tốt. Như WHO đã khuyến nghị với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam, chúng ta phải chuẩn bị kịch bản cho 3 tình huống, thứ nhất là có ca bệnh, thứ hai là chùm ca bệnh và thứ 3 là lây lan trong cộng đồng. Việt Nam hiện đang ở giữa tình huống thứ 1 và thứ 2. Tôi tin rằng, Chính phủ Việt Nam đã hoàn toàn sẵn sàng để chuẩn bị cho tình huống thứ 3.

PV: Hiện nay, đã có hơn 120 nước quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện bệnh nhân mắc Covid-19, tức là Việt Nam đối mặt với các ca xâm nhập từ trăm ngả. Vậy các giải pháp như cách ly tập trung, cách ly cộng đồng, giám sát tại nhà mà Việt Nam đang triển khai đã phù hợp hay chưa hay cần thay đổi thưa ông?

Ông Kidong Park: 
Theo tôi, cách tiếp cận, việc phát hiện tại chỗ, cách ly tại chỗ phù hợp hơn là lên bệnh viện. Việt Nam cần duy trì nỗ lực ứng phó dịch hiện nay và sẵn sàng cho diễn biến mới của dịch Covid-19.

WHO khuyến nghị Việt Nam tiếp tục nỗ lực để ngăn chặn đà lây lan này, tiếp tục phát hiện các ca mắc mới, chùm ca bệnh mới để cách ly kịp thời. Song song với đó là tăng cường hệ thống giám sát để phát hiện dấu hiệu dịch lây lan trong cộng đồng. Bởi vì, khi dịch lây lan trong cộng đồng chiến lược ứng phó của chúng ta phải thay đổi. Tôi tin là Việt Nam đã sẵn sàng và đã có hướng dẫn tới các bệnh viện từ tuyến trên xuống tuyến địa phương để chuẩn bị cho mọi tình huống. Tôi xin bổ sung một điểm nữa là hướng dẫn đầu tiên của chúng ta là cách ly tại bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, Việt Nam đã học hỏi rất nhanh qua kinh nghiệm của Trung Quốc và các nước khác, theo đó chỉ đạo xuống bệnh viện huyện và tỉnh để cách ly bệnh nhân ngay tại đó. Đây là chiến lược ứng phó rất phù hợp./.

PV: Xin cám ơn ông!./.