Trong số các dự án chậm tiến độ, có nhiều dự án hàng chục tỷ đồng phát triển hạ tầng, phát huy giá trị văn hóa tâm linh cũng chậm tiến độ do vướng mặt bằng.

ls2_vov_mfij.jpg
Trong số 17 dự án do huyện Lý Sơn làm chủ đầu tư đang triển khai, với tổng vốn trên 700 tỷ đồng thì hơn 1/2 trong số này bị chậm tiến độ. Trong ảnh là một góc chợ Lý Sơn thi công dở dang.

Dự án Chợ trung tâm huyện Lý Sơnđược triển khai từ cuối năm 2018 với vốn đầu tư 24 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Thế nhưng, sau hơn 1 năm triển khai, dự án mới chỉ đạt 20% khối lượng công trình thì phải “đắp chiếu” từ cuối năm ngoái vì vướng mặt bằng của trường mầm non Thăng Tiến và đất của 2 hộ dân. 160 tiểu thương trên đảo hàng ngày phải kinh doanh, buôn bán tại chợ tạm ở xã An Vĩnh trong tình trạng quá tải.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền – Tiểu thương chợ tạm Lý Sơn lo lắng, dự án chợ trung tâm xây quá lâu mà chưa biết đến bao giờ mới thi công trở lại, bà con ai cũng mong chợ xây nhanh hơn để có chỗ bán thuận lợi hơn.

“Xây chợ này lâu quá nên bà con chúng tôi mong muốn làm nhanh hơn để bà con chúng tôi buôn bán chứ không thể tạm bợ như thế này được”, chị Hiền nói.

Ngoài dự án Chợ trung tâm huyện, dự án Khôi phục bộ xương cá Ông Lăng Tân và dự án Xây dựng vườn hoa kiến thiết đô thị trên đảo cũng đang vướng mặt bằng.

 Sau hơn 7 tháng sau ngày dự kiến khởi công, dự án Khôi phục bộ xương cá Ông Lăng Tân vẫn chưa giải phóng mặt bằng.

Huyện Lý Sơn hiện đang thực hiện 17 dự án nhằm khắc phục cơ sở hạ tầng yếu kém, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên đảo. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng nên nhiều dự án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến phát triển chung của cộng đồng dân cư.

Dự án khôi phục bộ xương cá Ông Lăng Tân có vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng, dự kiến khởi công từ tháng 9/2019 và hoàn thành vào tháng 7/2020, dự án này phải thu hồi 778m2 đất nông nghiệp của 3 hộ dân.

Huyện Lý Sơn đã lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, đến thời điểm này thì 2/3 hộ dân vẫn chưa thống nhất nhận tiền bồi thường và bàn giao đất cho đơn vị thi công. Dự án Xây dựng vườn hoa kiến thiết đô thị có vốn đầu tư 10 tỷ đồng cũng vướng 400m2 đất và 20 ngôi mộ nên dự án này cũng chậm tiến độ đến 4 tháng.

Ông Trần Đình Hùng – Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng và Phát triển Qũy đất huyện Lý Sơn cho biết, khó khăn của 3 dự án này liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Người dân cho rằng, đền bù đất nông nghiệp phải bằng giá chuyển nhượng trên thị trường là từ 2 triệu đồng – 2,5 triệu đồng/m2.

“3 dự án này liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là giá đất, theo quy định của nhà nước. Nguyên nhân là người cho rằng giá đất thị trường rất cao mà đền bù theo giá nhà nước thì thấp quá nên chưa nhận tiền”, ông Hùng phân bua.

Trước những khó khăn này, Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Lý Sơn đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động phổ biến pháp luật về công tác đền bù để người dân hiểu. Tuy nhiên, chính quyền và người dân chưa đạt được thỏa thuận.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết, huyện tiếp tục triển khai công tác vận động, trong trường hợp vận động không được mà ý nghĩa của dự án đối với chợ trung tâm và dự án Khôi phục bộ xương cá Ông Lăng Tân để phục vụ cộng đồng chung thì huyện sẽ dùng biện pháp hành chính cứng rắn để thu hồi đất triển khai thực hiện dự án.

“Qua đây cũng mong người dân đồng tình với huyện trong việc vận động thuyết phục, cũng như các hộ dân có đất bị ảnh hưởng thị cũng đề nghị họ đồng lòng với huyện để mà giao đất cho huyện chấp hành tốt để phát triển cơ sở hạ tầng cũng như phát huy giá trị văn hóa tâm linh của huyện Lý Sơn, phục vụ cộng đồng”, ông Việt nói./.

Tỏi Lý Sơn được mùa nhưng mất giá

VOV.VN - Vụ tỏi đông xuân 2019 – 2020, nông dân Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) trồng hơn 330 hecta. Tỏi được mùa nhưng giá bán lại giảm khiến bà con khó khăn.